Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ðiều chỉnh tăng giá thép

Những tháng đầu năm, trước tình hình thép xây dựng nhập khẩu khối lượng lớn, để tránh cạnh tranh bất lợi cho sản xuất thép trong nước, theo đề nghị của Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép, Nhà nước đã điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép cuộn được cho là "trốn thuế".
Theo đó, một số loại phôi thép tăng thuế suất từ 5% lên 8%, thép cuộn cán nguội tăng từ 7% lên 8%, thép xây dựng tăng từ 12% lên 15%,  dây thép carbon tăng từ 8% và 5% lên 10%, ống thép hàn tăng từ 8% lên 10%, thép tráng kim loại, sơn phủ mầu tăng thêm từ 1% đến 2% tương ứng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2009 và áp dụng cho các tờ khai hải quan đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 1-4-2009.
Ðây là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước để giúp DN sản xuất thép tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động. Lẽ ra, đáp lại việc hỗ trợ kịp thời này, các DN sản xuất thép phải tranh thủ phát huy lợi thế, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố hệ thống, mạng lưới phân phối, giữ giá ổn định, đẩy mạnh bán ra, nhất là trong điều kiện cả nước đang phải nỗ lực đối phó với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, gói kích cầu đầu tư bắt đầu phát huy tác dụng, các dự án, công trình khởi động trở lại, tăng tiến độ, hoặc bố trí lại tập trung đầu tư, triển khai mới...
Song, đáng tiếc là một số DN sản xuất thép vì lợi ích cục bộ, ngay sau khi văn bản tăng thuế suất thuế nhập khẩu thép có hiệu lực, đã tăng giá sản phẩm thép một cách tùy tiện, với mức cao (tăng thêm từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/tấn), có đơn vị trong nửa đầu tháng 4 đã điều chỉnh tăng giá đến hai, ba lần, nâng mức giá bán lên bằng mức trước khi giảm giá (trở lại mức giá có lãi nhiều). Việc làm này đi ngược lại mục đích của việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu thép, đi ngược lại yêu cầu chủ động phòng ngừa lạm phát quay trở lại, dễ kéo theo ảnh hưởng dây chuyền tăng giá các sản phẩm, dịch vụ liên quan, gây khó khăn cho quản lý thị trường, giá cả.
Quy hoạch phát triển ngành thép, dự báo, cảnh báo về đầu tư sản xuất thép xây dựng đã được thông tin rộng rãi từ nhiều năm nay. Lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết quốc tế cũng được tuyên truyền, phổ biến nhiều lần. Việc các nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đồng vốn là lẽ tự nhiên, không thể chấp nhận kiểu làm ăn khi thấy có lợi thì nhao vào làm, lúc khó khăn lại đòi hỏi sự trợ giúp bằng những chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Sự quan tâm của Nhà nước đối với DN sản xuất thép đã được thể hiện bằng những văn bản cụ thể, điều đáng nói là, các DN cần có hành vi ứng xử đúng mực, góp phần làm cho những giải pháp của Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. Ðó cũng chính là giúp DN thoát ra khỏi khó khăn chung do suy giảm kinh tế thế giới gây ra. 

(Nhân Dân)

ĐỌC THÊM