Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng mức dự báo kinh tế thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của IMF cũng cảnh báo rằng, nguy cơ leo thang xung đột thương mại có thể làm giảm lòng tin và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thương mại toàn cầu trong năm nay được IMF dự báo tăng trưởng 5,1% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011
Ngày 17/4, IMF đã công bố bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới ngay bên thêm Hội nghị mùa Xuân của 189 nước thành viên IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm 20 nền kinh tế chủ chốt (G-20), sẽ diễn ra trong tuần này tại Washington (Mỹ).
Theo đó, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, tăng đáng kể so với mức 2,7% của dự báo trước và tăng mạnh so với tốc độ tăng trưởng 2,2% trong năm 2017. Theo IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng vững từ nay đến năm 2020 nhờ chính sách giảm thuế của Tổng thống Donald Trump.
IMF dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế các khu vực chủ chốt trên thế giới đang tăng trưởng khả quan nhờ lãi suất thấp và mậu dịch toàn cầu sôi động hơn.
Cũng theo IMF, thương mại toàn cầu trong năm nay dự báo tăng 5,1% - cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Ông Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của IMF cảnh báo rằng, bên cạnh triển vọng khả quan thì kinh tế toàn cầu cũng đang đối mặt rủi ro tăng lên từ những căng thẳng về thương mại.
Ngay từ khi vận động tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ chống lại cái mà ông lập luận là cạnh tranh nước ngoài không công bằng. Và thực tế, đầu tháng 3/2018, ông đã tuyên bố đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, khơi mào cho những xung đột thương mại leo thang trong hơn 1 tháng qua. Bên cạnh đó, ông Trump đã đưa ra mức thuế quan trị giá 50 tỷ USD đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để trừng phạt việc nước này đối xử không công bằng với công ty Mỹ liên quan đến việc chuyển giao công nghệ.
Ngay lập tức, để trả đũa, Trung Quốc đã đưa ra mức thuế cũng trị giá 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu tương, máy bay nhỏ.
Căng thẳng leo thang hơn, khi ông Trump ra lệnh cho Đại diện Thương mại Mỹ xem xét việc đánh thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố rất cứng rắn, rằng sẽ đáp trả Mỹ bằng mọi giá trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm chao đảo các thị trường tài chính. Tuy nhiên, đến nay, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn sáng sủa, nhờ lãi vay thấp, trong khi thương mại và đầu tư đều tăng trưởng khả quan.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 nước thành viên khu vực đồng euro từ 2,2% trong lần dự báo đưa ra 3 tháng trước lên 2,4% - mức cao nhất kể từ năm 2007.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm nay, giảm so với mức tăng 6,9% trong năm 2017. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang nỗ lực chuyển từ tăng trưởng siêu nhanh dựa vào đầu tư sang tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn dựa vào chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng.
Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ tăng tốc hơn Trung Quốc, với mức tăng trưởng được IMF dự báo là 7,4% trong năm nay. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại, từ 1,7% năm 2017 còn 1,2% trong năm nay.
Theo đánh giá của IMF, sự phục hồi giá các hàng hóa như dầu mỏ sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng cho các nước đang phát triển trong năm nay. Kinh tế các nước khu vực Tiểu vùng Sahara được dự báo tăng trưởng 3,4% trong năm nay, tăng đáng kể so với mức tăng 2,8% trong năm ngoái. Các nước Mỹ La-tinh được dự báo tăng 2% trong năm nay, tăng khá mạnh so với mức tăng 1,3% của năm 2017.
Nguồn tin: Đầu tư