Nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) muốn sát hạch sự ổn định tài chính đối với 25 nền kinh tế lớn.
IMF ngày 27/9 cho biết cứ 5 năm 1 lần, thể chế tài chính này sẽ tiến hành các cuộc sát hạch đánh giá sự ổn định tài chính đối với 25 nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tuyên bố của IMF nêu rõ lãnh đạo của tổ chức này đã quyết định chuyển từ hình thức đánh giá tài chính tự nguyện, một phần trong Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính của IMF, sang hình thức bắt buộc đối với 25 nền kinh tế lớn.
Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, ông John Lipsky cho biết quyết định này của các nhà điều hành IMF là nhằm ngăn chặn các rủi ro tài chính trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng toàn cầu.
Thể chế tài chính gồm 187 nước thành viên này cũng cho biết 25 nền kinh tế được lựa chọn dựa trên quy mô khu vực tài chính của các nền kinh tế này và ảnh hưởng của các khu vực tài chính này tới tình trạng các khu vực tài chính của các nước khác.
Nhóm 25 nền kinh tế lớn này chiếm hơn 90% hệ thống tài chính toàn cầu và chiếm tới 80% hoạt động kinh tế trên thế giới. Ngoài các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canađa, Đức và các nước Tây Âu khác, nhóm này còn bao gồm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Trung Quốc, Brazil Ấn Độ, Mexico và Nga.
Nguồn: BEE