Theo tin Bloomberg, IMF tuyên bố, chính phủ và các ngân hàng trung ương các nước Đông Âu cần phải thực thi những biện pháp ổn định các đồng bản tệ của mình đối với đồng euro. Nếu không, sẽ làm tổn hại quá trình hồi phục kinh tế ở khu vực này.
Năm ngoái, so với euro, đồng Zloty Ba Lan tăng 22%, đồng Forint Hungari tăng 17%, đồng Krone Sec tăng 8,6% và đồng Leu Rumani tăng 3,9%. Marek Belka, Giám đốc Ban châu Âu của IMF cho rằng, những đồng tiền này tăng so với euro tác động không tốt tới tăng trưởng kinh tế. Theo ông, đó là điều đáng phải sợ, vì các đồng bản tệ tăng giá quá mức có thể phá vỡ sự tăng trưởng kinh tế.
Tỷ giá các đồng Zloty, Forint, Krone và leu tăng vì các nhà đầu tư, do lo ngại về tình hình kinh tế của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha, chuyển sang mua tài sản của các thành viên Đông Âu của EU. Những nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng mạnh mẽ hơn, còn mức thâm hụt ngân sách của họ lại thấp hơn rất nhiều so với các nước Tây Âu có vấn đề.
Các nhà đầu tư hoan nghênh chính sách tài chính nghiêm túc ở Hungari và Rumani. Ba Lan trở thành nước duy nhất của EU tránh được suy thoái trong quá trình khủng hoảng tài chính hiện nay, còn Cộng hòa Séc đã kịp thời kích thích nền kinh tế và khôi phục ngành ngân hàng. Trong khi đó, luồng lớn tư bản chảy vào các thị trường này lại “được cứu thoát một cách tốt đẹp”.
Slawomir Skrzypek, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan trước đây đã tuyên bố, không loại trừ sự can thiệp của chính quyền vào các quá trình xảy ra trên thị trường tiền tệ địa phương. Theo Chính phủ Ba Lan, đồng Zloty mạnh chính là “mối đe dọa chính” đối với nền kinh tế Ba Lan. Hungari và Rumani cũng đang có kế hoạch giảm lãi suất chủ yếu.
(Banki.ru)