Vừa qua, Indonesia đã ban hành Thông báo số 26/PMK.010/2019 chính thức chấm dứt áp thuế đối với sản phẩm sắt, thép không hợp kim cán phẳng từ ngày 27/3/2019.
Ngày 27/3/2019, Indonesia đã ban hành Thông báo số 26/PMK.010/2019 sửa đổi Thông báo số 130/PMK.010/2017 nhằm thực thi phán quyết trong vụ việc giải quyết tranh chấp biện pháp tự vệ áp dụng với sản phẩm sắt, thép không hợp kim cán phẳng, mã HS: 7210.61.11 (thường được gọi là sản phẩm tôn lạnh) với mã vụ việc là DS496.
Theo Thông báo số 26/PMK.010/2019, biện pháp áp thuế nói trên chính thức hết hiệu lực từ ngày 27/3/2019.
Cụ thể vụ việc, ngày 22/7/2014, Indonesia đã áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng với chiều rộng từ 600mm trở lên, được dát, phủ, hoặc mạ hợp kim nhôm kẽm, chứa hàm lượng cacbon 0,6%, với độ dày đến 0,7mm (tôn lạnh).
Trong vụ việc này, hàng hóa xuất khẩu có liên quan của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể do lượng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trên 60% lượng nhập khẩu của Indonesia.
Ngày 1/6/2015, Việt Nam đã chính thức khởi kiện biện pháp tự vệ nói trên theo cơ chế quyết tranh chấp của WTO với cáo buộc biện pháp vi phạm các quy định của Hiệp định Tự vệ và Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT).
Sau hơn 3 năm, ngày 27/8/2018, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) đã thông qua phán quyết của Ban Hội thẩm, Ban Phúc thẩm đối với vụ kiện, trong đó kết luận: Biện pháp Indonesia đã áp dụng không phải là biện pháp tự vệ theo Hiệp định Tự vệ của WTO; và Biện pháp của Indonesia không phù hợp với quy định tại điều I:1 Hiệp định GATT.
Như vậy, sau gần 4 năm đấu tranh theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO (khởi kiện từ tháng 6/2015), Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu khó khăn trước các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra, áp dụng, đặc biệt là Indonesia.
Kết quả này không chỉ có lợi cho các doanh nghiệp trong vụ việc hiện tại mà còn tạo ra tiền lệ tích cực cho việc đấu tranh chống lại các vụ việc tương tự và tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Nguồn tin: Công thương