Tập đoàn thép lớn thứ hai Nhật Bản JFE dự kiến vào tháng 8 tới sẽ hoàn tất kế hoạch mua 5% cổ phần trong dự án khu liên hợp thép Formosa có vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 10 tỉ đô la Mỹ đang được xây dựng tại Hà Tĩnh.
Theo báo Nikkei, JFE Steel sẽ đầu tư vào dự án nhà máy thép nói trên do Formosa Plastics (Đài Loan) đầu tư, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu gia tăng từ các hãng ô tô thiết lập cơ sở sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
JFE sẽ hoàn tất kế hoạch rót 30 tỉ yen (khoảng 239 triệu đô la Mỹ), chiếm khoảng 5% cổ phần của dự án, vào tháng 8 tới. Bằng việc đầu tư vào dự án nhà máy này, JFE cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn xử lý sản phẩm chưa hoàn thiện tại đây, bao gồm cả thép tấm cán nóng.
Cũng theo tờ báo này, sau khi tham gia dự án, JFE sẽ xuất khẩu bán thành phẩm từ dự án tại Việt Nam cho các khách hàng trong khu vực thay thế bán thành phẩm vốn được xuất khẩu từ Nhật Bản, nhằm cắt giảm chi phí.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại khiến nhu cầu thép của nước này sụt giảm, dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu. Tuy nhiên, khi quyết định tham gia dự án thép tại Việt Nam, JFE hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn cung cấp thép ổn định cho các công ty Nhật Bản đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Đông Nam Á.
Kế hoạch của JFE là sẽ tập trung vào các sản phẩm thép trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng trước khi phân nhánh thành thép tấm cho ô tô và các lĩnh vực khác. Công ty này cũng đang xem xét khả năng góp vốn vào giai đoạn hai của dự án thép này.
Trước đó, hãng tin Nikkei cũng đã đưa thông tin JFE có khả năng sẽ quay lại Việt Nam để hợp tác với tập đoàn Formosa (Đài Loan) trong dự án thép ở Hà Tĩnh nói trên, không bao lâu sau khi JFE tuyên bố ngưng việc nghiên cứu đầu tư vào dự án sản xuất thép ở khu kinh tế Dung Quất vào tháng 9 năm ngoái.
Khi đó, JFE cân nhắc mức góp vốn vào nhà máy sản xuất do Formosa Plastic làm chủ đầu tư khoảng 10% số vốn, với mức đầu tư sẽ vượt 100 tỉ yen (khoảng 863 triệu đô la Mỹ).
Vào năm 2012, JFE đã có định hợp tác với E-United (Đài Loan) cùng triển khai dự án thép Guang Lian tại Khu Kinh tế Dung Quất, Tỉnh Quảng Ngãi với vốn đầu tư ước lên đến 4,5 tỉ đô la Mỹ trên diện tích đất gần 700 héc ta. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm ngoái nhà đầu tư Nhật Bản đã tuyên bố rút lui khỏi dự án.
Formosa là một trong các dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn hiện nay ở Việt Nam được cấp phép. Dự án này được ưu đãi đầu tư rất lớn như được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% tính từ năm có thu nhập chịu thuế, không kể miễn thuế trong 4 năm đầu sau khi có thu nhập chịu thuế và giảm tiếp 50% trong 9 năm tiếp theo.
Giới quan sát nhận định kế hoạch cùng hợp tác đầu tư với Formosa này của JFE sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh hơn thay vì đầu tư vào dự án thép của E-United ở Quảng Ngãi.
Trong khi đó đối với dự án thép Guang Lian ở khu kinh tế Dung Quất, sau khi JFE tuyên bố dừng xem xét đầu tư thì giờ đây dự án được xem là rất khó cho nhà đầu tư còn lại để triển khai. Với sự rút lui của JFE, dự án thép Guang Lian này vẫn chỉ do E-United và Tycoons đứng tên đầu tư.
Mới đây nhà đầu tư cũng tuyên bố không thu xếp được vốn cho dự án. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu nhà đầu tư này chấm dứt thực hiện dự án và sẽ hỏi ý kiến các bộ, ngành để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thu hồi dự án này.
Tập đoàn Formosa thành lập Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đầu tư dự án khu liên hợp thép khổng lồ có diện tích trên 3.300 héc ta ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, trong đó diện tích đất liền là hơn 2.000 héc ta và diện tích mặt nước trên 1.200 héc ta với số vốn cam kết giai đoạn đầu khoảng 10 tỉ đô la Mỹ và sẽ tăng lên gấp đôi ở giai đoạn sau. Formosa Plastics bắt đầu xây dựng khu sản xuất này vào năm 2012 và dự kiến khi hoàn thành sẽ là một nhà máy thép tích hợp xử lý tất cả các khâu sản xuất. Các hạng mục chính của dự án này gồm 6 lò cao luyện thép công suất 22,7 triệu tấn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện than 1.600 MW, và cảng Sơn Dương có công suất bốc dỡ 30 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, Formosa sẽ đưa lò cao thứ nhất đi vào hoạt động vào năm tới với sản lượng 7 triệu tấn thép/năm. |
Nguồn tin: KTSG