- Trong khi thép sản xuất trong nước đang đối mặt với tình trạng cung vượt cầu và nguồn thép ngoại giá rẻ do các nước trong khu vực dư thừa tìm cách tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) trong nước phải giảm giá hai đợt trong tháng 2-2009, thì lại xuất hiện hiện tượng thép cuộn đang "biến tướng" thành thép hợp kim, trốn thuế tràn vào thị trường nội địa...
Thêm chất "bo", Nhà nước thất thu hơn 10 tỷ đồng
Xuất xưởng thép thỏi ở Nhà máy thép Thủ Đức. Ảnh: TTXVN |
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do dư luận trong ngành thép bức xúc khi hàng chục ngàn tấn "thép cuộn hợp kim" giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường nội địa qua Công ty Thép Thành Long (Hưng Yên) trong tháng 1, 2-2009 (thép hợp kim chỉ chịu thuế 0%, nên giá bán rất rẻ), nên một số công ty đã lấy mẫu lô hàng trên đưa vào Trung tâm Kỹ thuật - tiêu chuẩn - đo lường chất lượng 1 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Việt Nam) kiểm nghiệm. Qua phân tích, kết quả thu được không đúng như tờ khai hải quan của Công ty Thép Thành Long là nhập "thép hợp kim", mà là thép các-bon thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít hàm lượng chất bo (0,002%). Hàm lượng bo tuy rất nhỏ, nhưng lại giúp DN nhập khẩu dễ dàng, lách luật trốn thuế. Bởi nếu là thép cuộn các-bon thông thường phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12%, nhưng khi có thêm chất bo, thép biến thành hợp kim, được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%.
Ngày 11-3-2009, VSA đã có kiến nghị với Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường xác minh lại những lô hàng thép cuộn nói trên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời hiện tượng gian lận thương mại gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các nước dư thừa thép tìm cách xuất khẩu tuồn vào thị trường Việt Nam. Theo VSA, với 28.839 tấn thép "hợp kim" do Công ty Thép Thành Long đã nhập khẩu, Nhà nước thất thu khoảng hơn 10 tỷ đồng tiền thuế.
Cần giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại
Thép cuộn “biến tướng” thành thép hợp kim đã làm thất thu thuế Nhà nước. |
"Lời ăn, lỗ chịu" là việc mà các DN phải chấp nhận trong nền kinh tế hội nhập. Song để tháo gỡ khó khăn hiện nay cho DN sản xuất phôi thép và sản xuất thép trong nước, việc cần làm trước mắt không phải chỉ là biện pháp điều chỉnh thuế, mà là phải khơi thông "đầu ra" cho sản xuất thép. Lượng thép tồn lớn như hiện nay, ngoài các nguyên nhân chủ quan do dự báo của DN chưa sát với thực tế, còn do chính sách quản lý vĩ mô. Đồng thời, cần có những giải pháp để ngăn chặn gian lận thương mại, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường nội địa. Các DN trong nước cũng cần phải liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí giá sản xuất bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn, vì hiện tại do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, nên chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao hơn gần gấp 2 lần so với thế giới. Ngoài ra, 1 tấn thép có xuất xứ từ Trung Quốc bán ở thị trường nội địa phải chịu thuế VAT, thuế nhập khẩu khá cao, nhưng vẫn rẻ hơn giá phôi thép trong nước...