Là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam chuyên về nhập khẩu, sản xuất tấm lợp kinh loại, gỗ thiếp, nhựa... nhưng Tập đoàn Hoa Sen dần rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ hàng chục nghìn tỉ đồng.
Tháng 12.2008, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen chính thức lên sàn chứng khoán với mã HSG. Vốn điều lệ ban đầu của công ty khoảng 570,4 tỉ đồng. Hiện, HSG đang lưu hành hơn 98 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường gần 1.834 tỉ đồng.
Ông Lê Phước Vũ.
Năm 2016, các doanh nghiệp thép Việt Nam hầu như ăn nên làm ra, nhu cầu thép trong nước tăng, giá thép cũng tăng mạnh.
Nắm bắt các thuận lợi đó, năm 2016, Hoa Sen đã ghi nhận doanh thu 18.000 tỉ đồng, lợi nhuận tăng mạnh gấp đôi, gấp ba so với các năm trước đạt 1.500 tỉ đồng.
Hoa Sen từ một doanh nghiệp tầm trung trở thành số 1 trong thị phần tôn mạ. Cổ phiếu HSG đã tăng gần gấp đôi, đại gia Lê Phước Vũ nhờ đó đã góp mặt vào top 15 người giàu nhất Việt Nam.
Tại Đại hội cổ đông bất thường vào tháng 9.2016, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ đã hùng hồn tuyên bố “ngu gì không làm thép” khi dẫn ra ví dụ Tập đoàn Hòa Phát lời đến 2.000 tỉ đồng/quý trong đó lãi từ thép chiếm 80%.
Ông Vũ tự tin với cổ đông về kế hoạch làm dự án thép Cà Ná với số vốn đầu tư dự kiến 10,6 tỉ USD (khoảng 237.000 tỉ đồng), trong khi đó vốn điều lệ của HSG lúc đó chỉ 3.500 tỉ đồng.
Dự án này sau đó đã bị tạm dừng nhưng Hoa Sen tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối thép, đồng thời tham gia vào ngành ống nhựa nhiều cạnh tranh bằng chính sách chiết khấu lên tới 60%. Để làm được như vậy, Hoa Sen đã đánh đổi bằng việc đi vay ngân hàng, đặc biệt là vay ngắn hạn đầu tư cho tài sản dài hạn.
Liệu, đây có phải một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Hoa Sen từ vị thế "vua tôn" bị rơi vào "chúa chổm" nợ?.
Tổng nợ phải trả của HSG đã tăng gấp đôi từ 8.180 tỉ đồng vào năm 2016 lên 16.268 tỉ đồng vào 2017. Trong đó, vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn hơn 9.000 tỉ đồng, dài hạn hơn 2.800 tỉ đồng, đây là một con số khổng lồ nếu so với vốn chủ sở hữu của HSG chỉ là 5.169 tỉ đồng.
Tính đến hết năm 2017, thị phần của tôn Hoa Sen chiếm 34% trong nước. Có được sự thành công này là bởi chiến lược duy trì giá thấp để ổn định thị phần của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, chiến lược đó không hẳn là có tác dụng tốt bởi gánh nặng chi phí tăng cao, áp lực chi phí khấu hao cũng lớn hơn khiến biên lợi nhuận sụt giảm.
Báo cáo tài chính quý 3 về tình hình nợ của HSG đối với một số ngân hàng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2018 (quý 4 niên độ tài chính của Hoa Sen do năm tài chính bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau) có thể thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hoa Sen báo lỗ. Hoạt động kinh doanh chính của công ty báo lỗ 132 tỉ đồng và lỗ sau thuế hơn 100 tỉ đồng.
Nguồn tin: Lao động