Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu mướt mồ hôi chạy mua USD, ngân hàng than đã vét hết USD đang có để phục vụ doanh nghiệp, thì một lượng USD không nhỏ vẫn “nằm chơi” ở kênh cho vay của ngân hàng và trong tài khoản của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điều gì đang cản trở sự lưu thông của đồng USD trong khi thị trường đang rất “khát”?
Biên độ tạo kỳ vọng về tỉ giá
Thực tế thị trường đang diễn ra cho thấy, cung cầu về USD không phải không gặp được nhau mà chỉ không “chịu” gặp nhau ở tỷ giá niêm yết của các ngân hàng. Chỉ cần doanh nghiệp nhập khẩu chấp nhận mua USD với giá vượt trần, tức khắc sẽ được đáp ứng.
Xác nhận thực tế này, trưởng phòng tài vụ một doanh nghiệp Nhà nước chuyên XNK cho biết, khi có việc gấp chẳng cần ra đến Hà Trung (Hà Nội), miễn là đồng ý giá 18.200 VND/USD (khi tỷ giá niêm yết kịch trần là 17.810 đồng) là có thể thu xếp tức thì vài trăm ngàn đến hàng triệu USD.
Từ tháng 7/2008 tới nay đã 7 lần biên độ giao dịch ngoại tễ được nới rộng. (Ảnh: VNN)/ |
Như vậy, dù tỷ giá ngân hàng đã kịch trần (mà thực tế luôn kịch trần trong những tháng qua), mức trần theo biên độ +/-5% hiện tại chưa thỏa mãn người bán.
Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến dòng cung USD tắc nghẽn.
Trong năm 2008, NHNN đã 4 lần điều chỉnh nới biên độ. Đến tháng 3/2009, biên độ lại được nới từ 3% lên 5%. Nếu tính từ 1/7/2002, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 0,1 lên 0,25% đến nay Việt Nam đã có 7 lần nới biên độ.
Chính vì vậy, thị trường có tâm lý kỳ vọng USD sẽ tăng lên, nhất là khi có những tin đồn về nới biên độ tỷ giá khiến không ai muốn bán USD ra vì sợ thiệt.
Tâm lý ngại rủi ro tỷ giá cũng cản trở doanh nghiệp vay USD từ ngân hàng, cho dù lãi suất cho vay USD đã giảm xuống quanh mức 3%/năm.
“Đường cùng mới vay USD”
Đây là câu nói của một giám đốc doanh nghiệp cần khoảng 2 triệu USD/tháng để nhập khẩu. Ông cho biết, tạm thời thà chấp nhận mua USD giá cao còn hơn vay USD của ngân hàng vì “tương lai chưa biết thế nào”.
“Chưa biết thế nào” cũng là lý do khiến ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Công ty Vật tư và XNK hóa chất Hà Nội ngại đi vay ngân hàng.
“Việc giảm lãi suất USD tôi có biết nhưng ảnh hưởng chưa rõ nét đến thị trường. Cho vay lãi suất thấp thì tốt quá nhưng cho vay có rành mạch rõ ràng thì chuẩn hơn, yên tâm hơn chứ như thế này thì phập phù quá”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN), lý do chính là doanh nghiệp sợ tiền VND mất giá nên mua USD cho chắc ăn, dù “nguyên lý xưa nay là đi nhập hàng thì vay ngoại tệ”.
Để đối phó với nỗi sợ này, thay vì vay trực tiếp bằng USD, doanh nghiệp đi vay VND, rồi dùng VND mua USD để thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp sợ vay USD trực tiếp từ ngân hàng. (Ảnh: VNN) |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, chỉ cần USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu máy móc nên không có nguồn thu USD.
“Chúng tôi sợ vay USD vì tới kỳ hạn phải trả, nhỡ không gom đủ USD hoặc phải mua USD giá cao để trả ngân hàng”, kế toán trưởng một doanh nghiệp sản xuất phôi thép cho biết.
Bởi vậy, tính đến cuối tháng 5/2009, dư nợ cho vay ngoại tệ âm tới 8%. Gần đây do áp lực USD cộng với lãi suất hạ nên chỉ số này đang nhích dần lên. Tuy nhiên, mức độ vẫn còn rất thấp. Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, bình quân mỗi tuần lên được 0,25-0,29%.
Gỡ từ nút thắt kích cầu "béo bở"
Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp sợ rủi ro tỷ giá nhưng sẵn sàng vay VND để mua USD giá cao?
Một quan chức ngân hàng nói thẳng: Đó là vì cơ chế hiện đang “tiếp sức” cho doanh nghiệp bằng gói kích cầu với lãi suất rất thấp chỉ 5-6% năm.
Ông này cho biết: “Tôi là doanh nghiệp, tôi cũng đi vay chỗ béo bở hỗ trợ lãi suất quá sướng này, chứ tội gì vay USD cho phấp phỏng”.
Cũng nhờ gói kích cầu này mà doanh nghiệp xuất khẩu có thể ung dung “ôm” USD chờ lên giá thay vì bán ra để trả nợ ngân hàng hoặc tiếp tục lưu chuyển tiền cho sản xuất kinh doanh.
Chương trình kích cầu của Chính phủ đã triển khai được 6 tháng với 2 gói giải pháp tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vay vốn bù lãi suất 4% và cho nông dân vay vốn lãi suất 0% mua thiết bị, vật tư nông nghiệp.
Với chính sách bù 4% lãi suất vào vốn vay trong thời hạn 8 tháng, thì thực chất mức hỗ trợ lãi suất là 2,66% lãi vay thực trả.
Thế mới thấy nhận xét về khoản cho vay “béo bở” mà vị quan chức ngân hàng không muốn nêu tên trên nhận định quả không sai.
Thừa nhận thực tế này, ông Huy gọi đây là “phản ứng phụ” của gói kích thích cho vay hỗ trợ lãi suất. “Doanh nghiệp tranh thủ được nguồn cho vay hỗ trợ giá rẻ 5-6 % thi nhau đi vay để mua ngoại tệ, nếu tháo cái nút này ra áp lực sẽ giảm”, ông Huy nói.
Vietnamnet