Để tăng trưởng, chống lạm phát... người ta luôn nhắc đến và nói nhiều về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, một phần quan trọng không kém là chính sách tài khóa lại ít được nhắc đến. Điều lý tưởng nhất là hai chính sách này cùng phối hợp với nhau để đạt mục tiêu, thay vì còn sự lệch pha khiến gánh nặng dồn chính sách tiền tệ.
LTS: Biến động giá vàng, USD, lãi suất... vừa qua có lỗi từ điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, hiện có quá nhiều trọng trách đang dồn lên chính sách tiền tệ, như nhập siêu lớn, ngoại tệ dự trữ "hẻo", làm sao đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng cao mà kiềm chế được lạm phát...
Bài viết dưới đây của PV. Lê Khắc, khép lại mạch bài "Nóng bỏng chuyện điều hành lãi suất và tỷ giá" đăng trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) thời gian qua, sẽ chỉ ra những yếu tố đang làm cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả. Muối và câu chuyện tỷ giá Những ngày lũ lụt ở miền Trung, một hình ảnh buồn được ghi lại khi hàng chục ngàn tấn muối của diêm dân ế ẩm, được che chắn tạm bợ trên ruộng bị tan gần hết. Tài sản, công sức và niềm hy vọng của một vụ sản xuất đã tan tành. Thậm chí, dự báo thời gian tới, tiêu thụ sẽ khó khăn khi giá muối thấp, nguồn cung trong nước dồi dào. Nhưng số liệu khác cho thấy, năm nay, Việt Nam lại tiếp tục nhập hàng trăm ngàn tấn muối. Trên diễn đàn Quốc hội, trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, con số này khoảng 200.000 tấn. Đây là muối cho sản xuất công nghiệp mà trong nước không sản xuất được. Muối ở đây được tính là nguyên liệu cho sản xuất, không bị hạn chế - lý do rất hợp lý nhưng cũng rất cũ. Ai cũng biết Việt Nam có tiềm năng về sản xuất muối nhưng hàng chục năm qua, Việt Nam vẫn thiếu muối công nghiệp và nhập khẩu. Đành rằng, với cách làm thủ công, lạc hậu, muối trong nước không đáp ứng yêu cầu cho công nghiệp. Song, điều đáng nói là sau hàng chục năm, Việt Nam vẫn không có kế hoạch sản xuất muối công nghiệp thay thế nhập khẩu, dù điều đó chắc chắn không khó như lọc dầu hay làm bô-xit. Thậm chí, gần 10 năm trước, dự án một khu công nghiệp muối ở Ninh Thuận đã được manh nha nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào. Cho đến tận bây giờ vẫn chưa có sự khả quan nào cho thấy sẽ có muối công nghiệp trong nước sẽ đủ cho công nghiệp. Vì thế, cách dễ nhất và nhanh nhất vẫn là nhập khẩu. Vài trăm ngàn tấn muối có thể không tốn quá nhiều USD nhập khẩu nhưng đây chính là một trong những câu chuyện bản chất nhất của nhập siêu ở Việt Nam. Khai thác dầu thô nhưng vẫn mải miết nhập khẩu xăng dầu và khí đốt, bán quặng sắt và titan để nhập khẩu kim loại. Bên cạnh đó, một ngành công nghiệp phụ trợ chậm phát triển đã khiến việc sản xuất đôi giày ở Việt Nam phải nhập từ mũ giày đến đệm chân... Vì thế, càng xuất khẩu nhiều, càng mở rộng đầu tư thì càng nhập siêu lớn. Đây chính là nguyên nhân chính làm thâm hụt cán cân thanh toán, mất cân đối cung cầu USD.
Một nền kinh tế dựa nhiều vào ngoại thương nhưng Việt Nam lại nhập nhiều hơn xuất. Thương mại đã không mang lại nguồn lợi USD mà còn là nguyên nhân thâm hụt và trông chờ sự bù đắp của kiều hối và vốn gián tiếp. Đến thời điểm nền kinh tế biến động, kiều hối vốn không nhiều lại bị sụt giảm, vốn gián tiếp chảy ngược ra ngoài thì nguồn cung ngoại tệ trở nên khó khăn.
Khi dự trữ ngoại tệ nhỏ và bị sụt giảm mạnh thì thật khó đòi hỏi sự ổn định. Tất cả các vấn đề, như yếu tố tâm lý, việc mất cân đối cục bộ... sẽ được giải quyết nếu có đủ một lượng vật chất (ngoại tệ) để can thiệp.
Một chuyên gia tài chính đã từng so sánh: sau 20 năm mở cửa và đẩy mạnh xuất khẩu, Trung Quốc đã là nước xuất siêu và có đủ dự trữ để can thiệp và thay đổi mạnh mẽ chính sách tiền tệ. Nhưng Việt Nam, sau 20 năm mở cửa, chưa bao giờ hết lo với nhập siêu và mất ổn định ngoại hối.
Thực tế, những câu chuyện như nhập khẩu muối, kéo dài dự án Dung Quất hay "đỏ mắt" chờ một nền công nghiệp phụ trợ phát triển... thì khó có cơ hội và nguồn lực để tính chuyện dài hạn với tỷ giá.
Trọng trách của lãi suất
Cuối năm 2010, chính sách lãi suất đảo chiều theo hướng tăng lên để chống lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã được yêu cầu ngiên cứu cách rút nhanh tiền từ lưu thông về.
Tuy nhiên, trước đó không lâu, lãi suất vẫn luôn bị thúc giục phải hạ xuống nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Dường như, lãi suất đang phải gánh một trách nhiệm khá nặng nề phục vụ cho các mục tiêu vĩ mô, dù chính sách lãi suất đã được tuyên bố là theo cơ chế thỏa thuận của thị trường.
Thời điểm giữa năm 2010, khi mục tiêu hạ lãi suất đang khó khăn, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần có những can thiệp mạnh để nhanh chóng đạt yêu cầu này. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhắc rằng, lãi suất tuân theo cơ chế thị trường thì không thể can thiệp hành chính một cách trực tiếp. Cách điều chỉnh thông qua những biện pháp kỹ thuật, kinh tế và sự đồng thuận được lựa chọn áp dụng, song cũng rất khó khăn vì thị trường có nhiều lực cản.
Tại thời điểm cuối quý III, đã có quan điểm cảnh báo: chỉ tiêu tăng trưởng đang khả quan, vậy có nên tiếp tục hạ lãi suất khi lạm phát lên cao? Liệu có cần đặt tăng trưởng bằng cách đổ tiền ra thật nhiều?
Trên thực tế, khi đó, rất nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam về những nguy cơ lạm phát.
ADB cho rằng: "khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, hoặc cả hai một cách vội vàng; hoặc việc thị trường tài chính và các nhà đầu tư trong nước cho rằng chính sách đã nới lỏng. Việc nới lỏng quá sớm hoặc cho rằng chính sách đã được nới lỏng có thể làm chệch hướng những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, làm cho lạm phát leo thang trở lại và gây áp lực đối với các cán cân thanh toán".
Và rồi sau đó không đầy hai tháng, lãi suất được tăng lên để chống lạm phát. Trong một mục tiêu chung đề ra từ đầu năm là ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng nhưng nhưng yêu cầu đối với lãi suất đã xoay chuyển với hai thái cục hoàn toàn khác nhau.
Việc xoay xở trong trong những tình huống như thế, với công cụ chính là lãi suất, khiến cho chính sách tiền tệ khó đạt được sự nhất quán.
Cho đến tận gần cuối quý III/2010, rất nhiều người lo ngại tăng trưởng tín dụng khá thấp so với chỉ tiêu 25% thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lại tự tin cho rằng, đây là sự tăng trưởng hợp lý và cơ quan này kiên trì với mục tiêu được xác định từ cuối năm ngoái: chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại thời điểm đó, có thể điều này chỉ phù hợp với những lo ngại "hơi sớm" mà khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra, tuy nhiên đến nay, nó đã lại đúng với thực tế Việt Nam.
Trong lúc hạ lãi suất cho vay khó khăn, một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước đã than phiền, lãi suất huy động cũng yêu cầu hạ xuống 8%. Còn trái phiếu Chính phủ lại được chào bán trên thị trường với lãi suất cao hơn. Điều này gây khó khăn cho điều hành tiền tệ. Sau đó, chính Ngân hàng Nhà nước đã phải có ý kiến về vấn đề này với Bộ Tài chính.
Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng, đây là biểu hiện dễ thấy nhất của sự thiếu thống nhất giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.
Chuyên gia này nói, trong khi yêu cầu thắt chặt lãi suất để chống lạm phát thì đầu tư công vẫn tiếp tục mở rộng. Đáng ngại hơn, đầu tư không hiệu quả khi chỉ số ICOR đã lên trên 10 thì mở rộng đầu tư lại thành mối nguy cho lạm phát.
Thực tế, cho thấy, chính sách tài khóa vẫn không ngừng mở rộng. Hai khoản chi lớn nhất là chi thường xuyên, và chi đầu tư phát triển tăng tương ứng ở mức gần 7% và 43% so với dự toán năm 2010.
Một ví dụ khác, năm nay, Chính phủ tăng cường bán trái phiếu, trị giá tới 68.000 tỷ đồng, vừa hút hết nguồn vốn của xã hội và doanh nghiệp, vừa không cách nào hạ lãi suất như chính Chính phủ mong muốn. Điều này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra như là một hạn chế trong điều hành. Bởi, đầu tư từ ngân sách ngày một tăng và với tỷ trọng lớn, sẽ rất khó điều hành kinh tế vĩ mô.
Dường như không chỉ năm nay, mà từ năm 2008 đối mặt với lạm phát, năm 2009 kích cầu chống suy giảm thì chính sách tiền tệ luôn phải vất vả với công cụ nổi bật là lãi suất. Chính sách tài khóa vẫn đều một nhịp tăng về quy mô chi tiêu nhưng tiến độ thực thi các dự án rất chậm. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây lạm phát, nhưng dường như, vì quá ít thông tin được cập nhật nên yếu tố đó ít bị nhắc đến và bị xét trách nhiệm.
Trong giai đoạn xây dựng Luật Ngân hàng Nhà nước mới đây, nhiều ý kiến đã đề cập đến tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tiền tệ. Chống lạm phát là không dễ khi hiện nay, Ngân hàng Nhà nước do chưa độc lập sẽ khó có sự nhất quán và phối hợp với các chính sách khác.
(VEF)