Những nước có nền kinh tế “ngầm” phát triển nhanh, quy mô của phần “ngầm” này nhiều khi tương đương với một nửa GDP chính thức, khiến nguồn thu thuế bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đó là nhận định được đưa ra trong một nghiên cứu kéo dài nhiều năm và hết sức công phu, do Giáo sư kinh tế Friedrich Schneider thuộc Đại học Johannes Kepler of Linz (Áo) thực hiện.
Kinh tế ngầm luôn tồn tại song song với nền kinh tế chính thức. Ảnh minh họa
Theo đó, mọi nền kinh tế đều có hai nền kinh tế ẩn chứa bên trong: Một nền kinh tế chính thức và một nền kinh tế “ngầm”. Kinh tế chính thức được các chính phủ và thể chế ngân hàng tính toán bằng GDP, nguồn thu thuế, những đóng góp an sinh xã hội và số người được xác nhận có việc làm. Trong khi đó, kinh tế “ngầm” là toàn bộ số tiền và việc làm không được sinh ra từ nền kinh tế chính thức.
Nghiên cứu cho thấy ở hơn 50 nước trên thế giới, quy mô của kinh tế “ngầm” ít nhất cũng tương đương 40% GDP chính thức. Theo nghiên cứu, kinh tế “ngầm” của Mỹ có quy mô nhỏ hơn cả, chỉ tương đương 9% GDP chính thức. Tuy nhiên, với giá trị GDP chính thức lên tới 14.260 tỷ USD thì đã có tới 1.200 tỷ USD tiền thuế trượt khỏi tay “chú Sam” mỗi năm.
Còn ở Hy Lạp, quy mô của kinh tế “ngầm” càng đóng vai trò lớn hơn. Trong thời điểm nước này lâm vào khó khăn do khủng hoảng kinh tế, một trong những nhân tố đẩy Hy Lạp suýt rơi vào bờ vực phá sản là hơn 31 tỷ USD tiền đóng thuế bị thất thu, tương đương hơn 10% GDP chính thức. Trong bảng xếp hạng từ nhỏ nhất tới lớn nhất về quy mô kinh tế “ngầm”, Hy Lạp đứng thứ 57 khi kinh tế “ngầm” của họ tương đương với 31% GDP chính thức năm 2007.
Tính toán quy mô của kinh tế “ngầm” thực sự là vấn đề hết sức khó khăn. Theo ông Friedrich Schneider, mức sai số này vào khoảng 15%.
Ông Schneider nhấn mạnh rằng nghiên cứu mà ông phối hợp cùng các đồng nghiệp thuộc Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức), Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại học Chilê thực hiện đã loại trừ cái gọi là “các hoạt động tội phạm kinh tế dạng kinh điển, ngầm một cách điển hình” như trộm cắp và buôn thuốc phiện.
Họ cũng không tập trung vào tình trạng trốn thuế mà quan tâm đến lượng hàng hóa và dịch vụ hợp pháp dựa trên nền tảng thị trường được che giấu khỏi con mắt của giới chức trách, nhằm tránh phải nộp thuế, né nghĩa vụ an sinh xã hội và lách luật lao động. Họ đã phát hiện thấy từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, bác sĩ đến người làm nghề giữ trẻ, người bán hàng tạp hóa và những lao động thuộc ngành nghề khác, đều có người chọn cách không báo cáo về nguồn thu hay những giao dịch riêng.
Nghiên cứu trên cho thấy từ năm 1999 đến năm 2007, kinh tế “ngầm” tại hầu hết các quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng đều gia tăng. Bằng chứng là tỷ lệ của nền kinh tế không chính thức này tính tương đương với GDP chính thức của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tăng từ 16,8% năm 1999 lên 18,7% trong năm 2007 và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các nước đang phát triển, tăng từ 36,6% lên 38,6%.
Đối với nhiều quốc gia đang phát triển như Pêru, nền kinh tế “ngầm” với quy mô khổng lồ của nước này là kết quả của quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, cùng với hoạt động thương mại không ngừng được đẩy mạnh.
Ông Daniel Córdova, Giám đốc Viện Invertir, một tổ chức phi chính phủ (NGO) có chức năng thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nói: “Cái mà mọi người gọi là kinh tế ngầm lại là kinh tế thật” ở Pêru và một số nước khác trong khu vực Mỹ Latinh. Nghiên cứu cho thấy nền kinh tế “ngầm” ở Pêru lớn thứ tư thế giới và tại nước này, nhiều người dân không nằm trong số nhận trợ cấp xã hội và cũng không có khoản thu chính thức, nhưng tổng số tài sản mà người nghèo sở hữu lại lên tới 90 tỷ USD.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rất rõ rằng ở những nước có hệ thống củng cố luật pháp và thu thuế hiệu quả nhất, thì nền kinh tế “ngầm” tồn tại với quy mô nhỏ nhất. Ông Schneider và các đồng tác giả của nghiên cứu còn đi xa hơn. Họ thậm chí tìm cách để kinh tế chính thức trở nên hấp dẫn hơn và giảm động cơ tham gia vào thế giới “ngầm”. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải vất vả đối phó với tình trạng thất nghiệp cao như hiện nay, kinh tế “ngầm” vẫn có cơ hội tồn tại trước khi sức quyến rũ của nó nhạt dần.
Nguồn: TTX, Bloomberg