Nếu như tháng 1/2012 lượng tiền được rút ra khỏi ngân hàng được tiết lộ là khá nhiều thì tuần đầu tiên của tháng 2/2012, bên cạnh việc thông báo kết quả kinh doanh Quý IV huy động vốn của ngân hàng đã có dấu hiệu “khởi sắc”.
Tâm lý sợ lãi suất sẽ giảm
Theo thông tin trước Tết, lãi suất tiết kiệm sẽ giảm dưới 14%/năm vào tháng 2/2012, nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đã tranh thủ gửi để được hưởng mức lãi suất cao. Khách hàng tên Dung ở Bình Thạnh gửi tiền tại ngân hàng SCB chi nhánh Bình Thạnh chia sẻ vào ngày khai trương đầu năm ( mồng 8 Tết): “Đầu năm đi gửi tiền lấy lộc đầu năm, vừa được tham gia chương trình khuyến mãi, vừa được nhận lì xì, và nghe đâu lãi suất gửi sẽ giảm nên tôi tranh thủ đi gửi, lãi suất hiện nay thấp nhất cũng 14% nếu giảm nữa thì lãi nhận về không nhiều lắm”.
Hiện nay, bên cạnh các chương trình khuyến mãi tiền gửi, nhiều nhà băng còn triển khai khuyến mãi dịch vụ sản phẩm, gia tăng tiện ích cho khách hàng. Như Vietcombank có chương trình tri ân chủ thẻ American Express® khi mua sắm thanh toán bằng thẻ, Oceanbank ra mắt dịch vụ mở tài khoản bằng tin nhắn, Sacombank có dịch vụ quà tặng từ trái tim, giúp khách hàng tặng thẻ Lucky Gift cho người thân nhân ngày lễ tình nhân,….
Theo thông tin từ một vài ngân hàng TMCP thì sau Tết Nguyên Đán, lượng tiền huy động từ cộng đồng dân cư tăng đáng kể. Đồng thời nhiều ngân hàng cũng đã công bố lợi nhuận “khủng” Quý IV và mức lương bình quân của cán bộ ngân hàng. Theo thống kê thì Vietcombank đang dẫn đầu ngành ngân hàng với mức thu nhập bình quân là 22,4 triệu.
Trao đổi về vấn đề lợi nhuận ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia hoạt động 30 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết: “Trong ngành ngân hàng có 3 rủi ro lớn: Rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro về nghiệp vụ, đặc biệt là rủi ro về tín dụng là rủi ro rất lớn trong vấn đề tăng trưởng nhanh.
Một số ngân hàng những năm vừa qua đã đẩy nợ xấu ra ngoài bảng hạch toán. Nếu năm 2012 ngân hàng không thể thu hồi được những khoản này thì sẽ được thể hiện lên trên sổ sách và số ngân hàng sẽ báo lỗ tăng lên, nhiều ngân hàng báo lời sẽ giảm…”.
Doanh nghiệp vẫn trông chờ một động thái….
Chỉ khi lãi suất tiền gửi giảm thì lãi suất vay mới có hi vọng giảm. Nhưng thực tế, trần lãi suất 14%/năm nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng huy động vượt trần và khách hàng vẫn “có cơ hội thương lượng lãi suất gửi” thì hi vọng giảm lãi suất vay thật sự rất khó. Mức lãi suất vay hiện nay theo khảo sát của chúng tôi áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là từ 20% – 22%/năm. Tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề, khu vực, mức lãi suất này có thể chênh lệch tăng từ 1% đến 3%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp càng vay nhiều thì lợi nhuận sẽ càng sụt giảm. Vì vậy doanh nghiệp nên chủ động cấu trúc lại nhu cầu tài chính và quản trị kinh doanh của mình để thích ứng với thời kỳ mới.
Như vậy, khi nào giảm lãi suất gửi, hay giảm lãi suất vay là câu hỏi nhiều người đặt ra nhưng rất khó để trả lời chính thức.
Nguồn tin:Tinkinhte