Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ chỉ tái gia nhập TPP khi hiệp định được cải thiện đáng kể.
Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ không trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai gần, và sẽ chỉ tái gia nhập nếu Hiệp định được cải thiện đáng kể so với thỏa thuận được đưa ra với Tổng thống Obama.
Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ đã đạt được các thỏa thuận song phương với 6 trong số 11 quốc gia tham gia TPP và đang tiến hành thỏa thuận với các nước khác, trong đó có Nhật Bản, Australia và Canada. Tổng thống Donald Trump miêu tả Nhật Bản là thành viên lớn nhất trong TPP và cũng là quốc gia đã “giáng đòn mạnh” vào thương mại Mỹ trong nhiều năm qua.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP không lâu sau khi nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái, khiến Hiệp định TPP bị đẩy đến bờ vực sụp đổ. 11 nước còn lại đã nỗ lực hồi sinh Hiệp định và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hoàn tất thỏa thuận sửa đổi vào đầu năm nay.
11 nước đã ký kết hiệp định CPTPP hồi tháng 3/2018, bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Chile, Brunei, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, mới đây, chính ông Donald Trump lại chỉ định cố vấn kinh tế Larry Kudlow và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer xem xét khả năng thương lượng về một thoả thuận có lợi hơn.
Tuyên bố cân nhắc tái gia nhập TPP của Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng làm dấy lên nhiều dự đoán và nghi vấn: Tại sao vị tổng thống từng phản đối TPP kể từ khi còn đang tranh cử và coi việc rút khỏi hiệp định là một trong những thành công của mình, lại suy nghĩ về việc tái gia nhập TPP? Điều gì hấp dẫn ở TPP? Và liệu 11 nước còn lại có chấp nhận?
Những câu hỏi này có liên quan đặc biệt tới chuyến công du tới Mỹ kéo dài hai ngày mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các phu nhân ăn trưa ở Florida. (Nguồn: Reuters)
Nếu ông Trump giữ lời hứa tiến hành hiệp định song phương cùng Nhật Bản, thì đây sẽ là một tin tức quan trọng và cũng là một bất ngờ lớn. Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm ngoái và tuyên bố hiệp định thương mại song phương tốt hơn hiệp định thương mại đa phương, ông vẫn chưa tìm thấy người đàm phán và thống nhất một hiệp định cùng mình.
Cách tiếp cận tái đàm phán NAFTA của chính quyền Tổng thống Donald Trump không đem lại hiệu quả. Tình huống tương tự đã tái diễn khi ông Trump ra quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm.
Kết cấu của TPP là một chuỗi các hiệp định song phương cho phép tiếp cận thị trường giữa các nước thành viên. Mỹ, Nhật Bản và các tranh chấp thương mại từ các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò và thịt lợn đến các sản phẩm công nghiệp như ô tô đã làm trì hoãn TPP trong nhiều năm.
Chuyến công du sang Mỹ mới đây nhất của ông Abe cũng chưa đạt được tiến bộ đáng kể. Những vấn đề lớn liên quan tới việc duy trì quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang bỏ ngỏ.
Về phía Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vừa qua, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, CPTPP là một hiệp định thương mại mở. Do đó, các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu gồm 12 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2017, ông Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, động thái mà ông tuyên bố nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho nước Mỹ.
Sau khi Mỹ rút lui, 11 quốc gia còn lại đã đàm phán lại một số nội dung của TPP. Tháng 3/2018, 11 quốc gia này đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn được gọi là TPP-11./.
Nguồn tin: VOV