Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), sản lượng thép trên cả nước đang thừa khoảng 3 triệu tấn/năm. Cả nước hiện nay có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tcty Thép quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 41.623 tỉ đồng và 19,8 tỉ USD (chưa kể những nhà máy công suất vài chục ngàn tấn/năm).
Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định. Theo dự kiến, đến năm 2015 nước ta cần khoảng 15 triệu tấn thép, năm 2020 là 20 triệu tấn. Nếu các dự án thực hiện đúng công suất thiết kế (35,29 triệu tấn/năm), cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5 - 1,8 lần. Thời gian gần đây, dù VSA đã nhiều lần lên tiếng phản đối song vẫn có nhiều dự án thép được cấp mới và đều là những dự án “khủng” về công suất, vốn đầu tư.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA cho biết, tùy theo công nghệ thiết bị sử dụng, trung bình các DN sản xuất thép tốn 500 - 700 kWh để tạo ra 1 tấn thép xây dựng thành phẩm, khoảng 275 kWh đối với DN sản xuất thép cán nguội. Tuy nhiên, nếu DN thép sử dụng công nghệ tiên tiến, mức tiêu thụ chỉ khoảng 350 kWh/tấn. Nhưng thực tế sản xuất thép ở nước ta hiện nay công nghệ lạc hậu và công nghệ mới vẫn sống chung. Trong số 32 DN thuộc VSA chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ. Cho dù công nghệ có được cải tiến đến đâu, chỉ cần nhìn vào mức tiêu thụ điện năng của nhà máy thép Shengli (Thái Bình) công suất 600.000 tấn/năm cũng phải cần đến lượng điện có công suất 300 MW để vận hành.
Việc phá vỡ quy hoạch ngành thép đang gây ra nhiều hậu quả nhãn tiền. Trong khi, mọi ngành, mọi người đang được khuyến cáo tiết kiệm từng kWh thì hàng ngàn MW đang chạy vào những chỗ “bội thực” sản phẩm. Rồi đến hậu quả về ô nhiễm môi trường của ngành thép gây ra cũng không nhỏ. Nặng nề hơn là khi ngành thép thành gánh nặng của nền kinh tế. Cung cầu thép mất cân đối buộc các DN sản xuất thép rơi vào tình cảnh khó khăn, lại kêu gọi Chính phủ hỗ trợ. Đời sống người lao động trong ngành này cũng sẽ bị ảnh hưởng… Ai sẽ là người đứng ra giải quyết những gánh nặng này ?
Nguồn tin: DDDN