Kể từ ngày 1/4 giá quặng trên thị trường thế giới đã tăng 50%, giá than mỡ tăng hơn 80%, giá gang luyện thép cũng tăng cao hơn so với năm 2009 khiến thị trường thép bị đẩy lên mặt bằng giá mới, làm các chuyên gia trong ngành cũng khó dự đoán được mức độ tăng giá của mặt hàng này.
Giá nguyên liệu còn tăng
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, mới đây nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia đã tuyên bố từ 1/4 tăng giá quặng 50% (từ hơn 80 USD lên 140-150 USD/tấn) so với năm 2009 và chỉ bán theo quý chứ không ký hợp đồng dài hạn nhằm tiếp tục tăng giá trong thời gian tới; giá than mỡ nhập khẩu tăng hơn 50%; giá gang luyện thép cũng tăng cao.
Hầu hết các nước mua nguyên liệu đã chấp thuận điều kiện này, theo đó, kể từ ngày 1/4, một mặt bằng giá nguyên liệu mới được áp dụng cho tất cả các quốc gia sản xuất thép và giá thép sẽ tăng mạnh.
Theo ông Cường, đây là bước ngoặt mà hai tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới là Vale (Brazil) và BHP Billiton (Australia) thực hiện đã dẫn tới sự kết thúc của hệ thống giá tiêu chuẩn được thiết lập và áp dụng khoảng 40 năm nay.
Suốt thời gian qua, thị trường thép toàn cầu đã quen giao dịch theo hệ thống giá dựa theo hợp đồng hàng năm, nay đã thay bằng các thỏa thuận ngắn hạn mới với mức giá tùy thuộc vào thị trường giao ngay. Mức giá này có thể sẽ còn tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm.
Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước cũng cho thấy, từ tháng 3 đến nay, giá nguyên liệu thép thế giới tiếp tục tăng cao do tác động của việc tăng giá quặng và giá than cốc.
Hiện giá chào phôi thép từ Nga, Đài Loan, Thái Lan vào Việt Nam phổ biến ở mức từ 580 đến 620 USD/tấn, tăng 70 đến 80 USD/tấn so với tháng trước và tăng 115 đến 130 USD/tấn so với tháng 12/2009. Giá chào thép phế cũng ở mức 430 đến 460 USD/tấn, tăng 60 USD/tấn so với tháng trước.
Nguyên nhân tăng giá do trong quý I/2010 kinh tế thế giới phục hồi mạnh nhờ việc tiếp tục kích thích kinh tế của các chính phủ, tạo điều kiện cho các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng, nhu cầu sử dụng thép và giá nguyên liệu thép thế giới tiếp tục tăng mạnh, nhất là những nước có tài nguyên họ tranh thủ để tăng giá bán.
Do tác động của thị trường thép thế giới cùng với việc tăng giá điện, xăng dầu trong nước, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thép đã 4 lần tăng giá bán với tổng mức tăng từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tấn.
Ngày 3/4, hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam đều đồng loạt tăng giá bán khoảng 500.000 đồng/tấn cho các hợp đồng giao tại nhà máy.
Hiện giá bán thép cuộn chưa tính thuế giá trị gia tăng của Tổng công ty Thép Việt Nam trụ sở phía Nam ở mức 13,77 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 13,87 triệu đồng/tấn.
Ngoài thị trường, giá bán lẻ thép phổ biến ở mức 14,5 triệu đến đến 15 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi bán gần 16 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và khu vực.
Với mức tăng giá này, các doanh nghiệp thép cho rằng do chi phí đầu vào tăng nên giá bán thép phải tăng theo. Còn theo Hiệp hội Thép, nền kinh tế đã hồi phục, các công trình khởi động trở lại và nắm bắt được tình hình tăng giá, nhiều doanh nghiệp thương mại đã ôm thép vào với số lượng lớn chờ thời cơ bung hàng.
Bên cạnh đó, các đại lý cũng lợi dụng diễn biến thị trường để “té nước theo mưa”, nâng giá kiếm lời.
Khó đoán mức tăng giá
Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với đại diện các bộ, ngành để bàn các giải pháp kiểm soát nhập khẩu đối với sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được, đại diện các bộ, ngành cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất không nên tăng giá mạnh, mà tăng dần dần, tránh gây sốc cho thị trường và cũng để tránh thép ngoại tràn vào gây khó cho tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các nhà quản lý có dự báo thường xuyên để định hướng người tiêu dùng và để tránh gây sốc cho thị trường về giá cả. Mặt khác, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, lợi dụng để tăng giá thép.
Theo ông Cường, hiện nay, giá các nguyên liệu thép đang có xu hướng tăng nên việc đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu nội địa như phôi thép, thép phế, gang sẽ giúp giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, đồng thời giúp giảm bớt chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ.
Cùng với các giải pháp đó, hiệp hội cùng doanh nghiệp sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bình ổn thị trường như không để thiếu thép, không đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Dự báo về thị trường thép trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Thép khẳng định, chắc chắn giá bán thép còn tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn không giảm, các đơn vị vẫn sản xuất hết công suất, các công trình đầu tư lớn trong nước vẫn tiếp tục xin đầu tư. Tuy nhiên, mức độ tăng giá như thế nào là rất khó đánh giá.
Ông Cường còn lo ngại thị trường thép có thể sẽ tái diễn như 2008, đẩy giá bán lên mức trên 20 triệu đồng/tấn.
(Vietnam+)