Những ngày gần đây, ngành thép Việt liên tiếp đón nhận hàng loạt thông tin bất lợi.
Ngày 16/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin Cục Ngoại thương (DFT)- Bộ Thương mại Thái Lan khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. Hiện nay, Việt Nam đang được loại ra khỏi danh sách các nước bị áp dụng biện pháp vì lượng XK không đáng kể và là nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong vụ việc điều tra gia hạn lần 2 này, nếu lượng XK của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng NK của Thái Lan, DFT có thể sẽ không loại trừ hàng XK của Việt Nam ra khỏi biện pháp tự vệ (nếu áp dụng).
Tiếp đó, ngay ngày 18/7, Ủy ban châu Âu (EC) lại thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép NK. Theo đó, sản phẩm thép của Việt Nam bị áp dụng biện pháp với 3 nhóm sản phẩm gồm: Thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Chưa dừng lại, ngày 20/7, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) lại khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon (CWP) có xuất xứ hoặc NK từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Trước các vụ việc kể trên, hồi cuối tháng 5, thép Việt cũng đối mặt khó khăn lớn khi Hoa Kỳ chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp “mạnh tay” lên sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Thực ra, từ trước tới nay, thép đã và vẫn đang là mặt hàng đứng đầu danh sách phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, riêng trong năm 2018, điểm dễ nhận thấy là các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng ngày càng tăng lên về số lượng cũng như mức độ. Những xung đột thương mại lớn trên thế giới cũng như xu hướng bảo hộ đã tác động khá sát sườn, trực tiếp tới sản xuất, XK thép theo chiều hướng không mấy tích cực. Đáng bàn là, trong tương lai xa hơn, thép Việt hoàn toàn có thể sẽ còn phải đối mặt với nhiều gian nan hơn nữa.
Với các DN, dù khó khăn có lớn đến đâu thì giải pháp khả thi nhất là đối mặt một cách khôn ngoan. Theo như nhiều chuyên gia, DN XK thép phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để vươn tới thị trường nước ngoài. Các DN cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, bố trí thị trường XK hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng XK tăng đột biến, tạo cớ cho các nước NK tiến hành khởi xướng điều tra. Ngoài ra, nâng cao ý thức phải tuân thủ luật lệ quốc tế, nâng cao hiểu biết, từ đó đổi thay trong cách thức XK hay chiến lược của DN cũng là điều cần tính toán kỹ.
Từ câu chuyện của ngành thép, nhìn rộng ra dễ thấy, để vững vàng hội nhập, các ngành hàng XK khác của Việt Nam cũng cần rốt ráo, nhanh chóng chuẩn bị cho mình một hành trang đủ đầy, không thể đợi "nước đến chân mới nhảy".
Nguồn tin: Hải quan