Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khó khăn đè nặng ngành thép

Quý III/2022, chứng kiến nhiều DN ngành thép lợi nhuận sau thuế lỗ nặng, hàng tồn kho vẫn ở mức cao dù đã hạ giá bán sản phẩm.

Hàng loạt doanh nghiệp lỗ nặng

Sau khoảng thời gian tăng mạnh giá bán thép, đến thời điểm hiện tại, hàng loạt DN thép bắt đầu chu kỳ liên tục điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm. Nguyên nhân được cho là nhu cầu với mặt hàng này trên thế giới và thị trường nội địa suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản gặp khó khăn.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận, bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19 % so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu dẫn tới hàng loạt DN thép báo lỗ nặng trong quý III vừa qua, với các khoản nợ khổng lồ đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), trong quý III/2022, lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái giảm 34,903 tỷ đồng, lỗ 25 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Tisco đạt 9.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 93% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 22,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 110 tỷ đồng, Tisco mới thực hiện được 1/5 mục tiêu.

Theo đại diện Tisco, lợi nhuận sau thuế quý III đã "bốc hơi" 93% so với cùng kỳ có 2 nguyên nhân, trong đó, sản lượng tiêu thụ giảm 21.895 tấn (11,4% so với cùng kỳ) và giá bán điều chỉnh giảm mạnh dẫn tới tổng doanh thu giảm 15%. Còn với Công ty CP Thép Vicasa - VNSteel (VCA) doanh thu thuần hơn 477 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, công ty kinh doanh với dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VCA lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VCA đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 42 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối quý III/2022 là 9 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân, VCA cho biết, ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, chính sách siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

Tồn kho lớn

Với trường hợp của Tisco, tính đến thời điểm quý III/2022, hàng tồn kho tăng mạnh lên hơn 2.100 tỷ đồng, gần gấp rưỡi so với đầu năm. Trong khi đó tổng tài sản của DN là 10.513 tỷ đồng, với 26 tỷ đồng tiền mặt.

Sự lao dốc về sản lượng tiêu thụ và giá bán thép kéo tụt biên lợi nhuận, giờ đây DN còn phải đối mặt với lãi vay vốn hóa là 2.960 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 9 tháng đầu năm là chi phí lãi vay. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn ở mức 6.015 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn hơn 2.800 tỷ đồng, dẫn tới vốn lưu động âm hơn 3.200 tỷ đồng.

Hiện tại, Tisco đang triển khai dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II" với tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh từ chi phí ban đầu khoảng 3.8 tỷ đồng lên hơn 8 tỷ đồng nhưng việc xây dựng đã kéo dài so với dự kiến và DN đang phải tiếp tục đàm phán với các nhà thầu, cơ quan Nhà nước để tháo gỡ khó khăn.

Về phía VCA, tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản là 530 tỷ đồng, trong đó 377 tỷ đồng là hàng tồn kho, chiếm hơn 70% tổng tài sản; nợ vay tài chính (hoàn toàn là vay ngắn hạn từ các ngân hàng) ở mức 244 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cuối quý III là 178 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 151,8 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 20 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển gần 15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 9 tỷ đồng.

Mặc dù các "ông lớn" ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Pomina, VAS... chưa có công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 song theo nhiều chuyên gia, tình hình thị trường thép vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm sẽ khó có thể hồi phục như dự đoán. Đơn cử, với Công ty Thép Pomina mới đây thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và đồng thời phải cắt giảm một số nhân sự để đảm bảo tình hình kinh doanh.

DN này lý giải, ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp từ đầu năm dẫn tới nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ trầm trọng.

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, nhu cầu sử dụng sắt thép hiện nay đang giảm nhưng không giúp một phần các DN xây dựng giảm chi phí.

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản hiện tại đang bị kiểm soát dòng vốn, các mặt hàng vật liệu xây dựng khác với nhân công vẫn cao đã khiến ảnh hưởng tới nhu cầu xây dựng dân dụng và các dự án. Điều này khiến nhiều đại lý và DN kinh doanh mảng thép phải đối mặt với lượng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm hoặc thậm chí không bán được hàng.

"Diễn biến trên thị trường thế giới (đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh...) đang tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, các DN thép nói riêng, nhất là khi tình hình căng thẳng Nga - Ukraine chưa thấy điểm kết thúc, chính sách Zero-Covid-19 của Trung Quốc, sẽ khiến ngành thép có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm để phục hồi" - thạc sĩ Lê Sơn Tùng cho hay.

"Bán hàng thép cuối năm có thể sẽ nhỉnh trở lại khi đây thường là thời gian tăng tốc giải ngân đầu tư công, để các dự án xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách đẩy mạnh thi công kịp với tiến độ đề ra. Tuy nhiên, các DN cũng như Nhà nước cần phải có kịch bản sẵn sàng với những rủi ro có thể phát sinh trong bối cảnh thế giới liên tục có những biến động." - Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM