Họ đã phải dừng sản xuất trong hai tháng qua hoặc sản xuất cầm chừng hoặc trong tình trạng càng sản xuất càng lỗ. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì khả năng một nửa doanh nghiệp thép có thể phá sản.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, thị trường tiêu thụ thép trong nước rất chậm, chỉ bằng 1/3 so với những tháng đầu năm. Hiện các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất phôi vì không thể bán được khi giá phôi thế giới rất rẻ. Các đơn vị sản xuất tồn kho phôi thép trên 500 ngàn tấn, thép phế 300 ngàn tấn, thép xây dựng 400 ngàn tấn. Các công ty thương mại cũng tồn trên một triệu tấn nguyên liệu và thành phẩm thép (theo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thì số tồn là trên hai triệu tấn). Nhiều doanh nghiệp cho rằng trước mắt Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất chứ không nên chỉ tập trung vào biện pháp nâng thuế nhập khẩu để bảo hộ cho doanh nghiệp kinh doanh. Theo đại diện của Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vinasteel), tăng thuế nhập khẩu chỉ là giải pháp tình thế. Nếu chỉ dùng biện pháp tăng-giảm thuế trong một thời gian ngắn thì cũng chưa thể giải quyết được hết khó khăn.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng hiện số liệu về lượng thép tồn đọng trong nước không chính xác.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần sớm đưa ra con số thép tồn chính xác để Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả nhất.
Hiện các doanh nghiệp đề nghị tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 2% lên 5%, thép cuộn cán nguội từ 7% lên 9%, thậm chí lên 20% để bảo hộ sản xuất trong nước. Một số doanh nghiệp cũng đề nghị tăng thuế nhập khẩu ống thép hàn từ 10% lên 20%, thép cuộn cán nóng từ 0% lên 10% để bảo hộ sản xuất trong nước. |
(Phát Luật)