Vốn - rào cản tồi tệ nhất
Không chỉ là vài ba câu than thở của các doanh nghiệp ở các kỳ họp giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương, cuộc khảo sát động thái của doanh nghiệp trong quí I vừa qua của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy, lãi suất và vốn đang là vấn đề nhức đầu nhất của các doanh nghiệp.
Khá dễ hiểu bởi, việc làm ăn kinh doanh quí I/2011 của doanh nghiệp đã diễn ra trong điều kiện chính sách nhiều thay đổi bất ngờ, như tỷ giá, giá xăng dầu, giá điện và lãi suất.
VCCI cho biết, trong quí I, đánh giá về điều kiện phục vụ sản xuất kinh doanh, chỉ có 12% doanh nghiệp cho là tốt lên. 52% doanh nghiệp bày tỏ các điều kiện này vẫn bình thường, 25% doanh nghiệp chưa cảm nhận rõ. 11% doanh nghiệp khẳng định, các điều kiện kinh doanh quí I kém đi so với trước. Cùng đó, cảm nhận chung về hoạt động kinh doanh của quí I, 18% doanh nghiệp cho biết đã làm ăn kém đi so với trước.
Các yếu tố như nhu cầu thị trường trong và ngoài nước gia tăng, các nguồn thông tin thị trường và công nghệ đã tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những yếu tố khác như tiếp cận đất đai mặt bằng, giao thông... không có gì thay đổi so với cảm nhận năm 2010.
|
Lãi suất và vốn đang là vấn đề nhức đầu nhất của các doanh nghiệp (ảnh Vinacorp) |
Tuy nhiên, sự ổn định ở các yếu tố này không bù lại cho các yếu tố "nhạy cảm" nhất, đó là vấn đề vốn, nguồn nguyên vật liệu và lao động có tay nghề. Ba yếu tố này tác động trực tiếp tức thì tới hoạt động kinh doanh, lại bị cho là có ảnh hưởng xấu nhất đến hoạt dộng của doanh nghiệp. Trong đó, 1/3 doanh nghiệp đã xếp vấn đề tiếp cận vốn là rào cản tồi tệ nhất cho hoạt động của họ.
Cùng đó, chi phí đầu vào ở quí I tăng lên đã làm cho giá thành sản phẩm của mọi doanh nghiệp tăng lên. Trước bối cảnh này, 43% doanh nghiệp đã buộc lòng phải tăng giá sản phẩm. Nhưng vì còn phải tính toán về tính cạnh tranh trên thị trường nên dù chi phí đầu vào tăng, 43% doanh nghiệp đã không thể tăng giá bán, thậm chí, 14% doanh nghiệp còn giảm giá sản phẩm.
Trong khó khăn đó, các doanh nghiệp đều đã cố gắng nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc, tăng năng suất lao động, giảm lượng tồn kho. Song, kết quả là, vẫn có tới 33,3% doanh nghiệp đã bị giảm lợi nhuận.
Không chịu nổi lãi suất 12-13%
Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thực hiện trong 1 tháng qua với dấu ấn rõ nét nhất là ở ngành ngân hàng. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng, lãi suất là giải pháp trọng tâm, đầu tiên, đã bắt đầu áp dụng.
|
Các chuyên gia cảnh báo về việc đúng lãi suất gây khó khăn thực sự cho các DN không (ảnh bee.vn) |
Vì thế, cuộc khảo sát của VCCI cũng cho thấy, nỗi lo lắng nhất của doanh nghiệp chính là lãi suất cao. Tới 85% doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải vay với lãi suất 12-13% trở lên. VCCI cho biết, mức 12-13% được hầu hết các doanh nghiệp kêu là quá cao so với khả năng chịu đựng của họ. Chỉ có 19% doanh nghiệp cho rằng đây là mức lãi suất hợp lý. 33% doanh nghiệp không thể chịu đựng được mức lãi vay này trong lâu dài.
Kết quả khảo sát của VCCI cũng chỉ ra rằng, mức lãi suất cao như vậy sẽ khiến cho cộng đồng doanh nghiệp ngần ngại khi đầu tư chiều sâu cho phát triển lâu dài. Rất có thể, khi rủi ro cao, các doanh nghiệp lại dễ chuyển hướng sang đầu tư ngắn hạn, đầu cơ để mong có lợi nhuận cao và ngay lập tức.
Do đó, lãi suất là một trong những kiến nghị chủ đạo nhất của doanh nghiệp trong điều hành chính sách của Chính phủ quí II tới. 84% doanh nghiệp chung một ý kiến rằng, lãi suất hợp lý nhất là mức 9-10% và 89% doanh nghiệp cho rằng đây là mức có thể chấp nhận được.
Tựu chung lại, ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ cần đột phá trong thời gian tới. Tới 40% doanh nghiệp đều thấy bị tác động tiêu cực từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Chỉ có 18,8% các doanh nghiệp cảm thấy, các chính sách bình ổn kinh tế của Chính phủ có tác dụng tốt đối với họ.
Để các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ, bày tỏ, Chính phủ cần cam kết rõ ràng, ổn định kinh tế vĩ mô là lâu dài trong cả vài năm tới, từ đó tạo niềm tin chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, mới đây đánh giá về sự ổn định kinh tế vĩ mô, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thực hiện Nghị quyết 11, tích cực nhất đang là Ngân hàng Nhà nước. Đúng là lãi suất cao là khó khăn lớn cho doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp cũng nên... nói cho đúng thực chất. Năm 2008, nhiều doanh nghiệp từng than thở, vay trên 20%/năm mà lợi nhuận chỉ 15% là doanh nghiệp chết, tức tăng trưởng kinh tế phải âm. Thế mà, năm 2008, vẫn tăng trưởng dù lãi suất lên tới 21-22%.
Như vậy, tác động lãi suất tới các ngành hàng sẽ là khác nhau. Chỉ có 30% doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, có những doanh nghiệp không đi vay ngân hàng, các công ty thương mại dựa chủ yếu vào vốn lưu động. Nếu các phản ánh của doanh nghiệp "quá" so với khó khăn thực sự thì sẽ gây áp lực lớn không tốt cho điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ.
Vấn đề tái cấu trúc đã được các doanh nghiệp hết sức chú trọng. Rất ngạc nhiên, có tới 86% doanh nghiệp tự hài lòng với kết quả tự tái cấu trúc của mình. Trong quí I, vấn đề chất lượng và giá trị sản phẩm được chú trọng nhiều nhất với 92% doanh nghiệp quan tâm cao và 81% doanh nghiệp hài lòng với mục tiêu này. Kế đến, các vấn đề quan trọng tiếp theo là tăng năng suất lao động, và mở rộng thị trường. Giảm giá thành là mục tiêu được 75% doanh nghiệp quan tâm đến nhưng chỉ có 52,6% doanh nghiệp làm được điều này. Nhìn tổng thể, dự cảm công việc làm ăn kinh doanh cho cả năm 2011 đều có chuyển biến tích cực. Tổng doanh số, giá bán bình quân một sản phẩm, lợi nhuận, tuyển dụng lao động là 4 yếu tố được các doanh nghiệp cảm nhận sẽ chuyển biến tốt lên trong năm 2011 so với năm 2010. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại e ngại rằng, hiệu suất sử dụng máy móc và năng suất lao động năm nay có thể đi xuống so với năm ngoái. |