Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu có những tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra hoan hỷ vì mỗi USD thu về được cộng thêm phần chênh lệch tăng tỷ giá, thì các doanh nghiệp nhập khẩu lại chịu nhiều sức ép.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tôm sú, một trong những ngành được hưởng lợi trong đợt điều chỉnh tăng tỷ giá
Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Thông Tấn cho biết: “Công ty chúng tôi là công ty xuất khẩu nên quyết định này có tác động khá thuận lợi. Mặc dù chi phí nhập khẩu vật tư là 30% nhưng khi xuất hàng đi chúng tôi thu về ngoại tệ do đó vẫn có lãi từ điều chỉnh tỷ giá. Với sự điều chỉnh này, lợi nhuận của công ty có thể tăng từ 5-10% trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu nguyên liệu với tỷ trọng lớn có thể còn bị lỗ”.
Ông Tấn cho biết thêm: “Quyết định này của NHNN ngoài việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu còn góp phần giảm tình trạng nhập siêu, doanh nghiệp cũng sẽ dễ mua USD từ ngân hàng vì mức chênh lệch đã được thu hẹp, các ngân hàng không còn phải tính thêm các khoản phí để hợp thức hóa giá bán, điều này phần nào kích thích các ngân hàng bán USD cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với lãi suất vay ngân hàng cao như hiện nay doanh nghiệp rất khó khăn để tìm kiếm lợi nhuận”.
Trái với niềm vui của các doanh nghiệp xuất khẩu, anh Vũ Hoàng Điệp - giám đốc một công ty sản xuất thiết bị cơ khí lại như “ngồi trên đống lửa”. Anh Điệp than thở: “Với những hợp đồng đang trong quá trình đàm phán còn có thể điều chỉnh kịp thời với việc tỷ giá tăng “chóng mặt” này. Một số hợp đồng đã ký với khách hàng thì đành phải chấp nhận thiệt hại, vì giá vật tư nhập về tăng mạnh theo giá USD”.
Cũng chung tâm trạng với anh Điệp, anh Nguyễn Việt Hùng, giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh sắt thép tại Thái Nguyên cho biết: “Các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép đang phải chịu sức ép từ nhiều phía. Áp lực từ lãi suất ngân hàng cũng như khả năng giá sắt thép trên thị trường thế giới tăng giá đã khiến doanh nghiệp bở hơi tai. Thêm việc tăng tỷ giá thì chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ phải tính toán và điều chỉnh giá bán thêm 5-7%”.
Sau quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN lên mức 20.693 đồng/USD (ngày 11-2) và lên mức 20.713 đồng/USD (ngày 12-2), giá USD trên thị trường tự do cũng tăng lên mức 21.700 đồng/USD. Với diễn biến này, nhiều công ty kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu đã “rục rịch” lên kế hoạch điều chỉnh giá bán.
Anh Tâm - chủ một cửa hàng chuyên bán các thiết bị âm thanh trên phố Lý Nam Đế cho biết: “Mức tăng tỷ giá của NHNN lần này là tương đối lớn, nhưng thực tế khi nhập khẩu các sản phẩm về chúng tôi đã phải thanh toán với giá USD trên thị trường tự do. Mặc dù vậy, quyết định tăng tỷ giá cũng đã tác động tới giá USD trên thị trường tự do, do đó chúng tôi cũng sẽ phải điều chỉnh giá bán”.
TS.Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng: “Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá là động thái cần thiết và bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian đầu và mức độ cục bộ, sự điều chỉnh tỷ giá này có thể ít nhiều làm tăng giá USD trên thị trường tự do, cũng như làm tăng giá của hàng hoá và nguyên liệu nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó, tăng tỷ giá có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất...”.
Ông Phong cũng cho rằng: “Về tổng quát và lâu dài, việc điều chỉnh tỷ giá này có tác dụng tốt nhằm hạn chế, giải toả tình trạng găm giữ, cũng như kỳ vọng đầu cơ, góp phần cân đối theo nguyên tắc thị trường cung-cầu về ngoại tệ, kích thích xuất khẩu và tăng cường sản xuất trong nước, từ đó góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát…”.
Nguồn: ANTĐ