Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khoáng sản "tự ăn thịt mình"

Trong khi không ít doanh nghiệp phải chuyển sang nhập khẩu quặng để phục vụ nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của mình với giá cao thì nhiều tập đoàn vẫn ào ào xuất khẩu khoáng sản thô.

Từ ngày 19/6 đến nay, những chuyến tàu chở quặng sắt với số lượng lớn của CTCP thép Hòa Phát đã về đến cảng biển Cái Lân - Quảng Ninh. Đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp (DN) sản xuất thép Việt Nam đã phải nhập khẩu quặng để luyện thép. Nhưng đáng nói là ngay trong bối cảnh này, nhiều DN vẫn đòi hạ thuế để xuất khẩu quặng sắt...

Người nhập, kẻ đòi xuất

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP thép Hòa Phát, cho biết lô hàng tinh quặng nhập khẩu trên có khối lượng 55.000 tấn, được nhập về từ Nam Phi, có hàm lượng sắt cao, tỷ lệ tạp chất thấp, phù hợp cho các lò cao sản xuất gang thép của Hòa Phát.

“Chúng tôi đã bắt đầu buộc phải tìm nguồn nguyên liệu bên ngoài vì trong nước không cung ứng đủ. Hơn nữa, ở thời điểm này, giá mua quặng của thế giới chỉ khoảng trên 50 USD/tấn, còn rẻ hơn mua trong nước. Nên nhập về cũng giúp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho lò cao của khu liên hợp gang thép của chúng tôi”, ông Hà cho biết.

 

 

Chúng tôi đã bắt đầu buộc phải tìm nguồn nguyên liệu bên ngoài vì trong nước không cung ứng đủ. Hơn nữa, ở thời điểm này, giá mua quặng của thế giới chỉ khoảng trên 50 USD/tấn, còn rẻ hơn mua trong nước.

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP thép Hòa Phát

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng công suất của các lò cao đang hoạt động tại Việt Nam là 2 triệu tấn, riêng Hòa Phát là hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, công suất của các lò cao đang xây dựng theo quy hoạch của Bộ Công thương lên đến gần 10 triệu tấn/năm.

“Lượng quặng cần sử dụng cho giai đoạn sau năm 2015 là hơn 20 triệu tấn và nhu cầu quặng sắt sẽ tăng gấp nhiều lần trong 5 năm tới. Cho nên, từ thời điểm này, việc DN khai thác nguồn quặng từ bên ngoài, nhập về là xu hướng tất yếu”, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá. 

Chính phủ cũng nhận thấy xu hướng này, tuần trước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bên tham gia góp vốn đầu tư khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê quyết định nhanh về việc góp vốn để việc đầu tư, khai thác mỏ này sớm được triển khai. Theo đánh giá của Bộ Công thương, mỏ Thạch Khê hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Nếu mỏ này đi vào hoạt động, sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu.

Bất chấp tình hình đó, hiện vẫn có hàng chục DN đề nghị giảm thuế, phí... để xuất khẩu loại khoáng sản ngày càng khan hiếm này. Hơn 10 DN xuất khẩu quặng sắt mới đây đã đồng ký tên lên bản kiến nghị nêu tình trạng khó khăn, phải ngừng hoạt động hoặc phá sản do thuế và các loại phí môi trường, vận tải... và xin được tăng hạn ngạch xuất khẩu, giảm thuế, phí cấp quyền khai thác...

Tất nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã không chấp nhận kiến nghị này.

Than, dầu khí cũng rơi vào nghịch lý

Không chỉ với quặng sắt, với nhiều khoáng sản khác hiện nay như than, dầu khí... nhu cầu sử dụng trong nước cũng đang tăng rất nhanh. Chẳng hạn như với dầu thô, nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn... ngày một lớn đang đòi hỏi sử dụng nhiều hơn dầu thô khai thác.

Trong những năm tới, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất gấp đôi và nếu thêm các dự án nhà máy lọc dầu có quy mô lớn được đầu tư như Nhơn Hội (Bình Định), quy mô công suất gấp 4 lần Nhà máy Dung Quất thì nhu cầu sử dụng dầu thô rất lớn. Nếu tiếp tục xuất khẩu dầu thô với số lượng lớn như hiện nay trong khi DN lại phải nhập về với giá cao hơn thì đây không phải là cách điều hành hợp lý.

Tương tự với khai thác than, năm 2015, Tập đoàn than -khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến vẫn xuất khẩu 3 triệu tấn than cho dù nhu cầu tiêu thụ nội địa đang rất lớn (TKV dự kiến năm 2015 bán được 35 triệu tấn trong nước). Việc vẫn xuất thô nguồn khoáng sản này khiến nhiều DN tiêu thụ than trong nước cho là việc làm khó hiểu. Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EViệt Nam), cho biết riêng 3 dự án của EViệt Nam sẽ dùng than nhập là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Duyên Hải 3 (1.200 MW), tổng công suất 3.000 MW với nhu cầu nhập mỗi năm sẽ khoảng 10 triệu tấn.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng thông tin đang phải tìm nguồn nhập, chứ không chờ TKV cung cấp. Hiện PVN đã đầu tư 5 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 6.000 MW, trong đó 3 nhà máy sẽ phải dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện quy mô 1.200 MW cần 4 triệu tấn than/năm thì với 5 nhà máy trên, PVN bắt buộc phải nhập khẩu vì TKV đã không còn cung ứng đủ. Cho nên, từ tháng 2/2015, PVN đã phải ký hợp đồng với một công ty than ở Úc để nhập khoảng 3 triệu tấn/năm.

Tiếp tục "tự ăn thịt mình"

Việc xuất khẩu khoáng sản đã được nói rất nhiều trước đây, một số chuyên gia còn ví von việc này là "tự ăn thịt mình" nhưng tình trạng này ngày càng trầm trọng khi chúng ta đã chuyển sang phải nhập khẩu chính các khoáng sản đang xuất thô với giá rẻ. Nếu không mạnh tay chấm dứt tình trạng này, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng khi chúng ta buộc phải nhập khẩu khoáng sản với giá đắt để phục vụ nhu cầu trong nước.

Xuất khẩu tăng 4,8%, trị giá giảm 45,7% !

Theo thống kê của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm nay, lượng than đá xuất khẩu là 898.000 tấn, giảm 77,1% so với cùng kỳ năm 2014 và trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 96 triệu USD, giảm 66,7%. TKV đã hoàn toàn ngừng xuất khẩu than cám. Mặc dù đã lên kế hoạch xuất khẩu 3 triệu tấn/năm nhưng thông tin mới nhất cho thấy, TKV dự kiến chỉ đạt được khối lượng xuất khẩu năm nay là 1 triệu tấn do nhu cầu nhập than của các đối tác giảm mạnh.

Về dầu khí, tính đến hết tháng 5/2015, lượng xuất khẩu dầu thô đạt 3,97 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do giá bình quân giảm tới 48,2% nên trị giá xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 1,79 tỷ USD, giảm 45,7% (tương ứng giảm 1,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM