Chuyện tỷ giá tăng dù đã được dự báo từ trước Tết, nhưng khi mức tăng 9,3% công bố chính thức, các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất vẫn không khỏi khóc ròng, trong khi nhóm doanh nghiệp xuất khẩu lại hân hoan âm ỷ.
Nhập khẩu méo mặt Chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Hoàng Văn Tòng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên, than thở, chắc chắn chi phí đầu vào của ngành thép sẽ tăng lên rất mạnh. Trong lúc này, thép đã bị chịu tác động kép khi cùng cơn sốc tỷ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế và than cốc thế giới đều đã tăng từ trước, tới 70-80 USD/tấn. Giá phôi hiện đã là 660-680 USD/tấn, giá thép phế là 540 USD/tấn và than cốc cũng đã xấp xỉ 400 USD/tấn. Mặc dù có lợi thế là sở hữu mỏ quặng lớn nhất miền Bắc, tự sản xuất được lượng phôi lớn nhất trong ngành thép, nhưng công ty vẫn bị thuộc tới 40% phôi và 90% thép phế nhập ngoài. Ông Tòng nhẩm tính, trung bình một tháng, thép Thái Nguyên sẽ phải nhập khoảng 25.000 tấn phôi, mất khoảng 16,5 triệu USD, 20.000 tấn thép phế với giá trị nhập khoảng 10,8 triệu USD. Riêng than cốc, công ty vừa nhập về 1 chuyến tàu 30.000 tấn với tổng giá trị khoảng 12 triệu USD và sẽ phải nhập thêm 2 chuyến nữa mới đủ nhu cầu cả năm. Như vậy, chỉ tạm tính sơ sơ, lượng ngoại tệ phải chi trả cho 3 loại nguyên vật liệu trên đã là 39,5 triệu USD. Một đêm tăng tỷ giá, phút chốc, công ty thép Thái Nguyên sẽ phải mất thêm tới 54,905 tỷ đồng phát sinh. Doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp này là khoảng 8.000 tỷ đồng. Và chỉ vì tỷ giá thay đổi, khoản chi phí phát sinh trên đã bằng 0,06% tới so với tổng doanh thu.
Nỗi lo đè nặng các DN nhập khẩu nguyên liệu (ảnh Phạm Huyền)
“Tới đây, chúng tôi sẽ còn bị ảnh hưởng bởi giá dầu, cước phí vận tải, giá điện… Hàng loạt giá đầu vào tăng như vậy thì giá thép sẽ phải tăng theo!”, ông Tòng nói. Hiện nay, dù đã tăng giá thép từ hôm 8/2 song với giá đầu vào phát sinh như vậy, giá Thép Thái nguyên đang thấp dưới giá thành. Lên giá chậm 10 ngày, công ty sẽ bị lỗ tới 10 tỷ đồng.
Ngao ngán không kém, một doanh nghiệp kinh doanh gas phía Nam ghen tỵ: với cách điều hành tỷ giá như thế này, những doanh nghiệp xuất khẩu mà không phải nhập nguyên liệu nhiều như café, sắn, gạo… sẽ lời lớn và có khi, kinh doanh ngoại tệ của họ còn "ngon" hơn cả làm xuất khẩu!
Xuất khẩu hoan hỉ lãi kép
Tỷ giá tăng được coi là đòn giáng chí tử tới các nhà sản xuất phụ thuộc nhập khẩu. Giá cả hàng hóa rục rịch leo thang. Trong cơn khốn khó này, các doanh nghiệp xuất khẩu lại cười hoan hỉ vì lãi kép.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương đã cho thấy các ngành xuất khẩu đang lợi đáng kể nhờ giá tăng mạnh. Có thể kể tên như giá chè các loại tăng 10%, gạo tăng 2,8%, sắn tăng 43,4%, cao su tăng 69,1%... Vì thế, dù lượng hàng xuất khẩu giảm đi trong tháng 1 nhưng yếu tố trên đã kéo giá trị nhập khẩu các mặt hàng tăng lên đáng kể trong tháng 1.
Dệt may khai xuân năm 2011 đã đầy tín hiệu tốt lành, với lượng đơn hàng đã ký đến hết tháng 3, một số đơn vị đã ký xong đơn hàng hết tháng 9. Tháng 1, ngành này đã đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục tới 900 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2010. Nhờ cú hích tỷ giá, ngành dệt may đã có thêm 1.251 tỷ đồng.
Bà Đặng Phương Dung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho biết, chuyện tăng tỷ giá này đối với những đơn vị xuất khẩu dệt may nhiều sẽ không bị ảnh hưởng gì. Đơn vị nào phụ thuộc nhập khẩu nhiều, tỷ giá tăng thì giá xuất khẩu tăng.
"Nói cách khác, nước nổi bèo nổi, tăng tỷ giá không hề hấn gì với các đơn vị dệt may đó", bà Dung nói.
Được cho là ngành lợi lớn khi giá USD tăng, ông Nguyễn Huy Viễn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thủy sản Hạ Long cười nói: "Chúng tôi không lợi đến thế đâu. Vì vừa qua, giá cá tra chế biến ở Việt Nam ở tất cả các khâu còn cao hơn cả một số nước châu Âu. Khách hàng của chúng tôi ở Hungari nhắn tin báo về thì thấy, giá 1kg cá tra bán ở nội địa còn cao hơn cả giá xuất khẩu cho Hungary".
Tuy nhiên, nhìn vào kim ngạch xuất khẩu tháng 1 thì thấy, xuất khẩu thủy sản cả nước đã tăng 30% so với cùng kỳ 2010, đạt 400 triệu USD và khi quy ra VND, nghiễm nhiên “được tăng” thêm 556 tỷ đồng.
Các DN xuất khẩu "cười tươi" hơn khi tỷ giá tăng (ảnh Việt Thanh) |
Nhờ cơ chế tỷ giá mà tháng 1, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cũng đã có thêm tới 20,85 tỷ đồng với kim ngạch 15 triệu USD, các doanh nghiệp sắn lời thêm 133,44 tỷ đồng, khi xuất khẩu thu được 96 triệu USD. Tương tự, mặt hàng gạo đạt kim ngạch 194 triệu USD trong tháng 1, tính ra, đã lãi thêm 269,66 tỷ đồng nhờ tỷ giá, ngành cao su đạt kim ngạch xuất khẩu 337 triệu USD và họ đã có thêm 468,430 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá.
Hai tỷ giá lại “rượt đuổi” nhau?
Một chính sách ban hành ra thì khó lòng dĩ hòa vi quí cho mọi nhóm thành phần kinh tế. Câu chuyện kẻ khóc, người cười giữa 2 nhóm nhập khẩu và xuất khẩu đủ nói lên rằng, tỷ giá tăng không là ngoại lệ nhưng có tác động nhạy cảm bậc nhất.
Giới chuyên gia tài chính kỳ vọng, tăng tỷ giá dù gây sốc nhưng sẽ xóa dần tình trạng 2 tỷ giá kéo dài thời gian qua, sẽ minh bạch hóa được chi phí đầu vào cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cả xuất và nhập khẩu đều chẳng mấy tin tưởng vào tác dụng tốt đẹp ấy.
Ông Hoàng Văn Tòng thẳng thắn: Bao giờ ngân hàng đủ USD, đủ sức chi phối được thị trường thì doanh nghiệp sẽ bớt bị kẹt. Từ trước tới nay, doanh nghiệp bắt buộc mua USD qua ngân hàng và luôn phải chịu thêm 1 khoản phí ngoài sổ sách. Giá USD mua thực tế vượt xa so với giá USD niêm yết chính thức của ngân hàng, gần xấp xỉ giá USD tự do. Nay, tỷ giá tăng thì phí nộp thêm cho ngân hàng sẽ giảm đi, kéo được giá mua USD trên sổ sách của doanh nghiệp gần với giá mua thực tế hơn, hạch toán có vẻ minh bạch hơn.
“Vòng vèo như thế nên rốt cục, doanh nghiệp vẫn bị kẹt cứng thôi vì tỷ giá tăng hay không tăng thì vẫn phải mua USD giá cao như vậy!”, ông Tòng nói.
Chia sẻ tâm tư của vị doanh nghiệp trên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép lo ngại: tác dụng minh bạch hóa chưa chắc đã giữ được lâu. Vì giá USD tự do chưa có gì đảm bảo sẽ dừng lại như hiện nay. Trước là xoay quanh 21.000 đồng/USD nhưng giờ, đã là 21.500 rồi. Nghĩa là, 2 tỷ giá VND/USD sẽ lại đuổi nhau.
Ông Cường nhấn mạnh, cái gốc của câu chuyện này vẫn là thiếu USD, do nhập siêu nhiều, dự trữ ngoại tệ mỏng. E ngại nhất là nếu như không huy động được USD sau tăng tỷ giá, vẫn thiếu USD thì thép, hay các ngành phụ thuộc nhập khẩu thì vẫn cứ phải tìm mọi cách mua USD. Cái vòng luẩn quẩn hai tỷ giá vẫn như cũ.
Các doanh nghiệp lo ngại, người có ngoại tệ sẽ chỉ bán một thời gian tạm thời rồi sẽ kìm lại. Khi đó, thị trường lại thiếu ngoại tệ ảo. Đó là cớ để giá USD sẽ lại tăng tiếp. Vì thế, ngoài tỷ giá, Nhà nước cần phải có biện pháp hành chính khác mới mong giải quyết được câu chuyện này.
VEF.VN