Nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động USD, một phản ứng trước tác động của chính sách. Đây là một hướng vận động mới?
Khá bất ngờ khi ngày 11/3, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo hạ lãi suất huy động USD. Bất ngờ bởi ngân hàng này vừa mới tăng lãi suất chỉ khoảng vài tuần trước đó.
Tuy nhiên, lãnh đạo Eximbank cho rằng, quyết định trên xuất phát từ việc cân đối tốt nguồn vốn huy động - cho vay ngoại tệ hiện nay, cũng như từng bước thực hiện chính sách tín dụng mới nói chung và tín dụng ngoại tệ nói riêng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong gói giải pháp triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với Eximbank, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin hạ lãi suất huy động USD của nhiều thành viên khác.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlong Bank), lãi suất tại các kỳ hạn dài chỉ áp từ 4% - 4,3%/năm; các mức cao 5,3% và 5,5%/năm chỉ có tại hai kỳ hạn ngắn 2 và 3 tháng; mức cao nhất 5,8%/năm trước đó đã được rút xuống.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), ở biểu lãi suất vừa áp dụng, mức cao nhất chỉ còn 5,8%/năm và chỉ áp tại hai kỳ hạn là 6 và 12 tháng. Trước đó, ngân hàng này áp từ 6% - 6,1%/năm cho nhiều kỳ hạn.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), thông tin cuối chiều 17/3 cho biết, lãi suất huy động USD cao nhất hiện là 6,1%/năm, giảm 0,1% so với biểu trước đây và áp dụng cho sản phẩm “Tiết kiệm 36 tháng lãi suất linh hoạt”, khác với thông tin cập nhật trên website trước đó.
Mới nhất, một thành viên lớn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã rút các mức trần lãi suất huy động USD cao nhất theo các kỳ hạn từ 5,5% - 5,6%/năm xuống còn 5% - 5,3%/năm…
Như vậy, chỉ trong hơn một tuần trở lại đây, việc điều chỉnh lãi suất huy động USD đã dần mở rộng; trong khi đó, nhiều thành viên hiện vẫn giữ biểu khá ổn định từ đầu năm 2011 đến nay, phổ biến chỉ từ 4,5% - 5,3%/năm.
Tuy nhiên mức giảm là chưa thực sự mạnh, được giải thích từ một lộ trình và linh hoạt theo diễn biến của tác động chính sách, thị trường, cũng như tránh gây “hẫng” đối với yêu cầu cân đối các vốn và đảm bảo thanh khoản.
Một yếu tố chính tác động đến xu hướng điều chỉnh trên là chủ trương thu hẹp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, qua Chỉ thị số 01 vừa ban hành; cũng như định hướng kiểm soát và hạn chế tín dụng ngoại tệ tăng trưởng “nóng”.
Bên cạnh đó, hướng điều chỉnh lãi suất cũng như chính sách áp thấp hơn ở các kỳ hạn dài tại khá nhiều ngân hàng thương mại không loại trừ khả năng có sự đón đầu chính sách mới.
Thông tin được chú ý trong những ngày gần đây là nội dung cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia ngày 17/3. Một số thành viên của Hội đồng bước đầu đề cập đến việc xem xét khả năng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các ngân hàng thương mại, được cho là một giải pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, góp phần chống đô la hóa, hỗ trợ cho giá trị của VND…
Với các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ “đánh” trực tiếp vào chi phí huy động nguồn vốn này. Phản ứng thường thấy là tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù đắp. Theo đó, cầu vay vốn ngoại tệ có thể sẽ giảm, lãi suất huy động cũng có thể giảm để thêm điều kiện tháo gỡ tâm lý găm giữ ngoại tệ trong dân cư.
Đó là dự tính được đặt ra trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn và khả năng thực thi hay không. Và nếu quan điểm tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đạt được đồng thuận, quyết định cuối cùng còn phải dựa trên trạng thái thanh khoản của hệ thống lúc này. Trường hợp triển khai, tác động sẽ nhanh chóng đối với diễn biến lãi suất trên thị trường.
Ở một hướng khác, trực tiếp hơn là một cơ chế trần lãi suất huy động USD, như tính toán mà một thành viên của Hội đồng Tư vấn đưa ra.
Nguồn: Vneconomy