Từ năm 2013 trở đi Bộ Công Thương sẽ xem xét không cấp phép đầu tư cho dự án cán thép xây dựng bởi sản lượng đã vượt xa nhu cầu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì công suất thép xây dựng cả nước hiện khoảng 11 triệu tấn/năm, trong khi tiêu thụ trong nước chỉ được 5,5 triệu tấn.
Phát biểu về tình trạng thép tồn kho tại cuộc họp tình hình sản xuất công thương ngày 4-3 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp năng thuộc Bộ Công Thương cho biết trong năm 2013, Bộ Công Thương chỉ khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất phôi thép, sẽ xem xét không cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án cán thép xây dựng bởi cung đã vượt xa cầu.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, mặc dù nhiều nhà máy thép trong nước chỉ chạy 60% công suất nhưng năm 2013 lại có thêm nhà máy thép xây dựng hoạt động với công suất 1 triệu tấn/năm và đến năm 2015 sẽ có tiếp 1 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.
Vào ngày 31-1-2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thép đến năm 2020, xét đến năm 2025.
Theo đó đến năm 2020, sẽ loại bỏ các nhà máy sản xuất gang, phôi thép, dây chuyền cán thép có công suất nhỏ (trừ lò cao sản xuất gang đúc phục vụ ngành cơ khí, lò chuyên dùng đúc chi tiết cơ khí, dây chuyền cán thép không gỉ và thép chất lượng cao). Từ năm 2013 trở đi không cấp phép đầu tư cho các dự án mới có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng.
“Quy hoạch ngành thép đưa ra thì chuẩn, nhưng khi cấp giấy phép đầu tư thì lại không chuẩn, sự giám sát và cấp phép cho các dự án của các địa phương không chuẩn dẫn đến nhiều nhà máy thép hiện nay hoạt động dưới công suất thiết kế”, ông Cường nhận định về việc cấp phép các dự án thép trong những năm gần đây qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 5-3.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép (gồm thép thanh, cuộn, hình, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép ống) trong nước đến năm 2020, có xét đến năm 2025:
(Theo Quy hoạch phát triển hệ thống phân phối sản xuất thép đến năm 2020, xét đến 2025) |
Nguồn tin: TBKTSG Online