Chính phủ sẽ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP đạt mức 6,7% năm 2017.
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và ngân sách Nhà nước năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV ngày 22/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, song Chính phủ sẽ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP đạt mức 6,7% năm 2017.
Cân nhắc tăng sản lượng khai thác dầu thô
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Dù đã đạt được một số kết quả, nhưng tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%).
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra. Nhiều giải pháp được Chính phủ đề ra như tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, tăng trưởng của quý I/2017 đạt 5,1% là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực công nghiệp - xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%.
Tăng trưởng quý I/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như: Tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, bài học từ sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh gây ra tại bốn tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Qua đó, đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.
12 dự án thua lỗ có tổng tài sản gần 60 nghìn tỷ đồng
Đề cập đến 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy Thép tại Lào Cai.
Theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy (trong số 12 dự án trên) đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng số vốn đã giải ngân của ba dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng. Chính phủ khẳng định thời gian tới sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.
Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa tốt
Về kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, báo cáo của Chính phủ khẳng định, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới quy chế làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Bên cạnh đó, cũng đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định...
Tuy nhiên, còn nhiều yếu kém trong lĩnh vực này được Chính phủ chỉ ra, điển hình như kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt; Tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra; Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận… Cụ thể, có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắc Lắc, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ. Hay như Sở NN&PTNT Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở TN - MT Bình Định có 6 phó giám đốc. Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức, Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo...
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo khắc phục những yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ. Đặc biệt là hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu.
Tăng thời lượng chất vấn, đối thoại, giải trình lên 3 ngày
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại kỳ họp này, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày, thay vì 2,5 ngày như trước. “Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cử tri lo lắng nhiều yếu kém chậm khắc phục
Sáng 22/5, báo cáo Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV Chủ tịch T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đã có 3.228 ý kiến được gửi tới Quốc hội. Theo báo cáo, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về một số yếu kém nhiều năm chậm được khắc phục như: Nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp, nợ công ở mức cao; Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng, an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi…
Một trong những điểm được nhấn mạnh trong báo cáo là việc cử tri nhiều nơi rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép, chặt phá rừng vẫn diễn ra ngang nhiên. Cử tri yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý; điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật.
Hoài Vũ
Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
Chiều qua (22/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ông Hưng cho biết, sau một thời gian tiến hành các giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, đến nay, các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát. Theo đó, hoạt động sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách Nhà nước, đến nay đã giảm được 22 tổ chức.
Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ cũng chỉ ra tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi. Việc này đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng, khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31/12/2016. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, dự báo tác động đối với các quan hệ xã hội, cần cam kết đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn. Uỷ ban Kinh tế cũng đồng tình với nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và cho rằng phù hợp với Nghị quyết Kế hoạch 5 năm.
Nguồn tin: Giao thông