Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các đơn vị Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu thép chứa nguyên tố boron (Bo).
Cụ thể, cơ quan hải quan phải yêu cầu người khai hải quan xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) tại thời điểm đăng ký tờ khai đối với các mặt hàng thép có chứa nguyên tố Bo nhập khẩu, không được phép gia hạn chậm nộp C/O.
Đồng thời, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục tăng cường công tác kiểm tra việc khai báo đối với mặt hàng thép nhập khẩu có chứa nguyên tố Bo; tập trung kiểm tra mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá tính thuế, số lượng, nội dung C/O và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng đã đăng ký nhập khẩu đang nợ C/O.
Thời gian qua, việc nhà sản xuất cho nguyên tố Bo vào thép đã khiến các cơ quan quản lý “đau đầu” tìm cách ngăn chặn vì trên thực tế, thép chứa nguyên tố Bo kích thước phi 6 và phi 8 chủ yếu nhập về để sử dụng trong xây dựng nhưng lại được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, trong khi nếu là thép xây dựng bình thường (không có nguyên tố Bo) thì phải chịu thuế NK.
Để kiểm soát sự bất thường trong khai báo C/O đối với mặt hàng thép chứa nguyên chất Bo, giữa tháng 6-2012, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát số liệu các tờ khai làm thủ tục NK thép chứa nguyên tố Bo khai báo thuế theo C/O form E trong thời gian từ 1-1 đến 31-5-2012.
Qua đó, Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra, rà soát, yêu cầu Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra chặt chẽ, thu đủ chứng từ C/O theo quy định. Cho đến nay, Tổng cục Hải quan vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thép, đặc biệt về giá tính thuế để ngăn chặn gian lận trong kê khai.
Bên cạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, trước đó, Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, đang nghiên cứu để ban hành các biện pháp phi thuế (đưa ra hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp hạn ngạch NK) và khả năng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép các loại và thép có chứa hàm lượng Bo NK từ Trung Quốc để có cơ sở áp thuế chống phá giá theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, các cơ quan chức năng khác như Quản lý thị trường, Biên phòng,... để chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Nguồn tin: Hải quan