Từ tháng 2, giá thép liên tục tăng khiến người tiêu dùng chóng cả mặt khi tăng từ 800.000 đồng/tấn lên cả chục triệu đồng cho mỗi tấn thép. Đã thế Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và cả Bộ Công Thương liên tục dự báo: Giá thép có khả năng tăng do kinh tế thế giới hồi phục, ngành thép bước vào chu kỳ phát triển mới, nhu cầu thép xây dựng trong nước có thể tăng 10% so với trước, giá thép phế thế giới tăng 100 USD/ tấn so với tháng 1, rồi ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá, tăng lãi suất.
Nhưng từ giữa tháng 3 đến nay,mặc dù là tháng khởi đầu của mùa xây dựng mới nhưng giá thép đã có dấu hiệu suy giảm. Một vài công ty giảm giá thép từ 150.000 đồng/tấn - 200.000 đồng/tấn. Tuy vậy, giá vẫn còn cao, từ 18,2 - 18,4 triệu đồng/tấn.
Các chuyên gia đều cho rằng, giá thép trong giai đoạn này không giảm mới là lạ. Nếu tính đếm cụ thể từ giá đầu vào, tình hình và khả năng tiêu thụ giá thép trong nước cũng như áp lực cạnh tranh của thép ngoại trên thị trường nội thì tất cả các yếu tố đó đều cho một chỉ báo: giá thép trong nước còn giảm.
Về yếu tố giá đầu vào, cho đến nay giá thép trên thế giới đã chững lại, thậm chí giảm so với tháng 1/2011. Giá thép phế chỉ còn 500 USD/tấn, giảm 50 USD; giá phôi giảm 20 - 30 USD/tấn, chỉ còn khoảng 650 - 670 USD/ tấn. Với mức này, cộng phí vận chuyển và các chi phí khác, giá thép sản xuất trong nước sẽ chỉ ở mức 15,5 - 16 triệu đồng/tấn. Giá thép có khả năng không tăng vì mức tiêu thụ thép lớn, nhất là Trung Quốc, đang đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu và sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống không để tăng trưởng nóng như trước. Tình hình chiến sự tại Bắc Phi nơi có nhịp độ xây dựng lớn đã khiến nhu cầu thép giảm do đình đốn sản xuất, xây dựng. Trận động đất và sóng thần ở Nhật có làm tăng nhu cầu khi nước này khôi phục sản xuất, xây dựng nhưng mức tăng không đáng kể. Đặc biệt, Việt Nam ít nhập thép từ thị trường này nên càng không bị tác động trực tiếp.
Ở trong nước, do chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm mạnh đầu tư công nên nhu cầu xây dựng cho việc thực hiện dự án sẽ giảm. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm mạnh cung tiền cho chứng khoán và bất động sản càng làm cho việc triển khai các dự án đó bị kéo giãn ra hoặc đình lại cho nên nhu cầu thép xây dựng không thể tăng như trước nữa.
Tháng 1 và tháng 2, lượng thép tiêu thụ trong nước được cho là tăng đột biến so với cùng kỳ những năm trước vì mức tiêu thụ từ 470 - 475 nghìn tấn/tháng. Nhưng các chuyên gia nhận định đó là do thương nhân ôm hàng, chờ tăng giá theo dự báo. Cuối tháng 3, thấy dấu hiệu tiêu thụ chững lại do chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa nên các thương nhân đẩy ra để cắt lỗ. Các nhà sản xuất cũng đã phải điều chỉnh giảm giá để tiêu thụ được.
Điều thứ 3, do giá thép trong nước tăng mạnh trong tháng 2 nên các nhà nhập khẩu đã nhập thép từ các nước ASEAN có thuế suất bằng 0% và từ Trung Quốc vào nên cạnh tranh gay gắt với thép nội. Hiện tại, thép xây dựng trong nước sản xuất ở thị trường phía Nam chỉ còn chiếm 14% thị phần thay vì 30% như trước. Thép ngoại rẻ hơn đã ép thép nội phải xuống giá.
Với 3 yếu tố giá đầu vào, khả năng tiêu thụ trong nước và sự cạnh tranh của thép ngoại như phân tích trên đây thì đúng là thép không giảm giá mới là lạ.
Nguồn: KTĐT