Lãi suất USD hiện rất cao
Mức lãi suất huy động USD đang dao động từ trên dưới 5% một năm đến mức cao nhất là 6,35%. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại lý giải, lãi suất tiết kiệm USD duy trì mức cao để đẩy mạnh huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ.
Thực tế, trong những tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ vẫn chưa có dấu hiệu giảm so với cuối năm 2010. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 21/1, đầu tư cho nền kinh tế tăng 0,43% so với tháng trước, trong đó đầu tư bằng VND giảm 0,09% và đầu tư bằng ngoại tệ tăng 2,37%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 22/2 ước tăng 1,46% so với cuối tháng 1 và tăng 2,71% so với cuối năm trước.
Lãi suất USD hiện vẫn rất cao. |
Trong tháng 2/2011, dù không đưa ra số liệu cụ thể nhưng các chuyên gia đều cho rằng, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng trưởng cao do chênh lệch lãi suất vay vốn giữa USD và VND vẫn ở mức cao, lên tới 8 - 10%. Không những thế, trước khi có quy định “trần” lãi suất huy động là 14% một năm, lãi suất huy động VNĐ được không ít ngân hàng đẩy lên mức cao cũng khiến nhiều người dân rút ngoại tệ bán lấy tiền đồng gửi tiết kiệm, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán ngoại tệ để lấy vốn kinh doanh. Do đó, các ngân hàng thương mại đã phải tăng lãi suất USD để giữ chân khách hàng.
Bản thân các ngân hàng thương mại lớn cũng thừa nhận, nếu lãi suất huy động ngoại tệ cao sẽ gây khó khăn cho việc hạ lãi suất VND bởi người dân sẽ nắm giữ USD rồi gửi tiết kiệm.
Sẽ thu hẹp đối tượng vay USD
Trong khi đó, tín hiệu tín dụng ngoại tệ sẽ thu hẹp sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa quy định thu gọn đối tượng được vay ngoại tệ trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ không thể đua tăng lãi suất tiết kiệm USD, do đầu ra vốn vay ngoại tệ sẽ giảm.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội quy định thì các tổ chức tín dụng phải cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khả năng thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ, hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định của Bộ Công thương ban hành. Mặt khác, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đa dạng hóa ngoại tệ khi thanh toán hàng hóa nhập khẩu nhằm “chia lửa” với USD. Khi đó, lãi suất cao, điều kiện vay bị siết chặt, nhu cầu vay USD sẽ giảm, kéo lãi suất ngoại tệ đi xuống.
Mới đây, trong cuộc họp với các ngân hàng phía Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, các ngân hàng cần phải sớm hạ lãi suất tiền gửi USD, nếu không muốn lỗ do phải “ôm” USD giá cao, bởi nếu gửi nước ngoài lãi suất USD chỉ từ 0,5 - 0,7% một năm. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể mua hết USD trong các ngân hàng thương mại do còn phải kiểm soát vĩ mô, nên không thể đưa tiền đồng ra mua lấy số ngoại tệ dư thừa.
Vụ Chính sách tiền tệ cũng phát đi tín hiệu cho thấy Vụ này đang hoàn thiện cơ chế tín dụng ngoại tệ mới. Theo đó, chỉ những đối tượng có nguồn thu ngoại tệ (nhà xuất khẩu) mới được vay ngoại tệ. Doanh nghiệp nào không có nguồn thu ngoại tệ có thể ngân hàng sẽ thực hiện cơ chế mua/bán ngoại tệ theo danh mục hàng nhập khẩu của Bộ Công thương.
Gần đây, những động thái quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ, đặc biệt với việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 9,3% cùng các biện pháp mạnh khác đã giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Giá USD trên thị trường tự do cũng liên tục hạ nhiệt, trạng thái đóng băng trên thị trường này những ngày này cho thấy các chính sách bình ổn tỷ giá của cơ quan quản lý phần nào đã phát huy tác dụng. Khi niềm tin vào sự ổn định của tỷ giá tăng lên sẽ khiến nhu cầu nắm giữ đô la giảm xuống.
Báo Đất Việt