Một trong những hậu quả của tình trạng giá năng lượng còn mang tính bao cấp là nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mang vào Việt Nam những dự án sử dụng công nghệ tiêu hao năng lượng lớn để tận dụng lợi thế giá năng lượng (than, điện…) rẻ của Việt Nam.
Rõ rệt nhất là trong ngành thép với hàng chục dự án có vốn đầu tư nước ngoài nằm ngoài quy hoạch mà đến nay người ta vẫn chưa tìm ra giải pháp nào để cấp điện cho các nhà máy này.
Mới đây nhất, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo hiện có 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch phát triển thép được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không hề có thoả thuận của bộ Công thương hoặc ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án có vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên, buộc phải có). Đáng lưu ý là trong số này có 15 dự án sản xuất phôi thép từ thép phế liệu và sử dụng công nghệ lò điện tiêu hao điện rất lớn. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, ở Việt Nam, điện năng tiêu thụ để sản xuất một tấn thép bằng lò điện hồ quang là khá cao (khoảng 500 – 600kWh/tấn phôi thép), trong khi đó ở Nhật Bản chỉ khoảng 350 – 400kWh/tấn phôi thép. Trên thực tế, các dự án sản xuất thép đang tiêu hao một phần khá lớn sản lượng điện của cả nước. Cho nên, việc tiếp tục cung ứng điện cho các nhà máy nằm ngoài quy hoạch nhưng công nghệ lạc hậu như vậy chắc chắn gây ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân.
Trước đó, bộ Công thương cũng đã có một đợt rà soát về quy hoạch ngành thép và cho thấy một bức tranh rất đáng lo ngại. Theo bộ này, cả nước hiện có 65 dự án sản xuất thép có quy mô công suất từ 100.000 tấn trở lên đã đi vào hoạt động, trong đó có bảy dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn trên 41.620 tỉ đồng và 20 tỉ USD. Ngoài 32 dự án nằm ngoài quy hoạch, theo bộ này, còn có nhiều dự án có quy mô lớn, nằm trong quy hoạch được duyệt, cũng thuộc diện công nghệ lạc hậu, tiêu hao quá nhiều điện năng, gây ô nhiễm môi trường.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi mới đây Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư sản xuất thép, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với các dự án không có khả năng triển khai. Tuy nhiên, các dự án đã đầu tư nằm ngoài quy hoạch lại chưa bị rút giấy chứng nhận đầu tư và còn đang được xem xét để cấp điện là một vấn đề lớn cần bàn.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, ngành điện mới chỉ đầu tư cho hệ thống truyền tải, phân phối tới các dự án sản xuất thép đã đi vào vận hành và nằm trong quy hoạch được duyệt. Cho nên, nhiều nhà máy nằm ngoài quy hoạch rơi vào tình trạng thiếu điện và chủ đầu tư các dự án đó đang kêu đòi được cung cấp điện như các dự án khác. Và không ít địa phương cũng lại bênh các chủ đầu tư này, lên tiếng can thiệp đòi ngành điện đáp ứng. Đôi khi ý kiến của nơi này, nơi kia là một sức ép đáng kể buộc EVN phải chấp nhận. Nhưng chính tập đoàn này đã phải lên tiếng, nếu tiếp tục giải quyết điện cho các dự án được cấp phép sai quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp điện an toàn của cả hệ thống.
Theo tính toán của bộ Công thương, nếu tất cả các dự án thép đã được cấp phép, kể cả trong và ngoài quy hoạch, được triển khai đúng quy mô công suất thiết kế, đạt sản lượng 35,29 triệu tấn/năm thì tới năm 2020 lượng cung sẽ gấp 1,5 – 1,8 lần cầu về thép. Sản xuất thép vượt quá nhu cầu, với công nghệ sản xuất lạc hậu, nhất là tại các dự án ngoài quy hoạch, chính là hao phí lượng điện năng đang rất cần cho nhiều ngành kinh tế khác trong khi khả năng cung ứng của EVN là có giới hạn.
Do đó, chính vào lúc này, cần phải kiên quyết thu hồi, đình chỉ tất cả các dự án nằm ngoài quy hoạch, kiểm điểm trách nhiệm những người ký quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án này. Việc này không chỉ góp phần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính mà còn giúp bảo vệ môi trường, giữ cho quy hoạch thép và cả quy hoạch phát triển điện năng không bị phá vỡ, gây ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất khác.
Nguồn: SGTT