Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

'Không nên quá lạc quan về tín hiệu phục hồi kinh tế'

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định, sản xuất công, nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng là đáng mừng, song nếu khuyến cáo dân kinh tế còn khó khăn để cùng nỗ lực, VN sẽ thoát nhanh khỏi khủng hoảng.

- Theo ông, doanh nghiệp và người dân nên có cách nhìn như thế nào về tín hiệu phục hồi kinh tế?

- Với đặc điểm của người dân Việt Nam là khá cầu thị và thực dụng, tôi nghĩ nên có một thông điệp theo hướng khuyến cáo tình hình vẫn còn khó khăn, để mọi người cùng nỗ lực, mới nhanh chóng bước ra khỏi khủng hoảng.

Nếu nói rằng chúng ta có khả năng hồi phục sớm thì cũng phải nói rõ là hồi phục như thế nào, hồi phục lĩnh vực gì. Còn nếu chúng ta tạo ra một mối lạc quan "tếu", cho rằng mọi việc đều đã rồi, trong khi tình hình chưa có nhiều chuyển biến thì sẽ nguy hại.

Singapore dự báo là năm nay họ sẽ tăng trưởng âm 8% và mức độ trì trệ do khủng hoảng sẽ kéo dài khoảng 6 năm, để Chính phủ và người dân cùng chuẩn bị tinh thần.

- Như vậy, ông có cách nhìn khá thận trọng về những tín hiệu phục hồi kinh tế?

- Tôi cho rằng, khi xem xét vấn đề này cần có tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn GDP tăng trưởng như thế nào thì nền kinh tế mới thực sự hồi phục; mức độ tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, số người thất nghiệp đã giảm chưa.

Những tiêu chí đó đều phải được đưa ra thảo luận, tránh tình trạng người cho là đã hồi phục, người thì bảo chưa. Như thế càng làm rối loạn thêm cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp.

Các tuyên bố về kinh tế trên thế giới hiện đều nói rằng, tình hình tiếp tục phức tạp và có thể là cuối năm nay thì kinh tế thế giới có cải thiện, mức tăng trưởng âm có thể giảm, chứ không có nghĩa là đã tăng trưởng dương.

- Nhưng GDP của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng dương, sản xuất công nghiệp cũng nhích lên?

- Việc những chỉ số của nền kinh tế đã có bước cải thiện hơn so với hồi đầu năm là một điều tốt, nhưng đó cũng là bình thường. Chẳng hạn như GDP, quý I có Tết Nguyên đán, thì sản xuất bị ngưng lại nên tăng trưởng chỉ đạt 3,1% là dễ hiểu. Nhưng đến quý II, khi mà mọi hoạt động của nền kinh tế đã quay trở lại và nhu cầu về tiêu dùng, xây dựng có chiều hướng tăng lên thì GDP tiếp tục tăng lên cũng là điều bình thường.

Một số chỉ số khác như xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt là đáng mừng. Song chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm, biểu hàng xuất khẩu chỉ có 6 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2008, gồm vàng bạc, gạo, chè, hạt tiêu, sắn, hàng dệt may, nhưng đến 50% số lượng mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng không đáng kể.

Xuất khẩu chiếm trên 70% GDP của Việt Nam, còn giá trị nhập khẩu và dịch vụ thì tương đương trên 100% GDP, thì rõ ràng chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

- Ông từng đề cập đến 4 mô hình phục hồi kinh tế mà Việt Nam có thể sẽ đi qua. Với những diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây, theo ông kịch bản kinh tế sẽ nghiêng về hướng nào?

- Theo tôi, mô hình mà chúng ta nên tránh và có thể tránh được là chữ L, tức là nằm mãi dưới đáy mà không thoát lên được, giống như Singapore và Nhật Bản. Chúng ta có một nền nông nghiệp khá hiệu quả vì các sản phẩm này có thị trường khắp thế giới và phù hợp với điều kiện suy thoái kinh tế.

Do vậy, với điều kiện chúng ta có cải cách mạnh mẽ, đổi mới cấu trúc của nền kinh tế thì có thể kinh tế sẽ tăng trưởng theo hình chữ V và đây là kịch bản mơ ước. Nhưng quan điểm của tôi thì khả năng dễ xảy ra nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng theo chữ W, tức là vẫn có lên, rồi lại xuống, lại lên.

- Chỉ số giá tiêu dùng đang lấy lại đà tăng, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các gói kích cầu. Ông nghĩ sao về khả năng lạm phát quay trở lại?

- Tôi cho rằng, cần chú ý đối với những tín hiệu về chính sách tiền tệ, bởi hiện nay tổng cung của phương tiện thanh toán đã tăng lên 11,4%, cao hơn rất nhiều so với 5,3% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã bơm tiền tăng cung tín dụng rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu giá dầu tiếp tục tăng lên, kéo theo một số mặt hàng khác tăng theo thì khả năng quay trở lại của lạm phát là hoàn toàn có thể.

(VNexpress)

ĐỌC THÊM