Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Không phải vì thuế tự vệ, Chủ tịch VSA lên tiếng lý do giá thép tăng

Hai tháng đầu năm 2016, sản lượng thép nhập khẩu tăng 60,5% so với năm ngoái. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp thép cần tăng cường sản xuất để bình ổn giá thép trên thị trường.

Ngày 7/3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể mức thuế áp dụng là 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/3.

Xuất phát từ tâm lý sau ngày 21/3, giá phôi thép và thép dài sẽ tăng mạnh nên nhiều đại lý đã tích trữ, găm hàng và đẩy giá thép lên cao chóng mặt.

Cụ thể, ngày 16-3, giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều. Trong khi trước đó một ngày, 15/3, giá thép cuộn của Việt Nhật được niêm yết giá dao động từ 10, 32 triệu đồng/tấn đến 10,42 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn của Hòa Phát ngày 15/3 là 9,6 triệu đồng/tấn.

Có hay không chuyện doanh nghiệp găm hàng để bán giá cao sau khi quy định áp thuế tự vệ có hiệu lực. Thực tế, giá thép trong nước đang bị chênh lệch từ 1-1,5 triệu đồng/tấn thép cuộn kể từ sau khi quy định được ban hành.

Chị Trần Thu Hằng, chủ một cơ sở bán lẻ thép tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết có tin đồn giá thép có thể lên tới 14 triệu đồng/tấn vào đầu tháng 4. Tâm lý sợ giá cao khiến nhiều cửa hàng bán lẻ như chị Hằng đổ xô đi mua hàng tích trữ. Trong đó chủ yếu mua nhiều các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Thép Trung Quốc vẫn ồ ạt vào và hưởng lợi giá cao

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2016 cả nước nhập khẩu 2,84 triệu tấn thép, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính riêng tháng 2/2016, sản lượng nhập khẩu đạt 1,35 triệu tấn với trị giá đạt gần 474 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với tháng trước (thực tế trong tháng 2 doanh nghiệp nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán, thời gian giao dịch chính thức chỉ khoảng 20 ngày).

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 tháng/2016 từ Trung Quốc là 922,6 nghìn tấn, tăng 37,5%, từ Nhật Bản là 231,7 nghìn tấn, tăng 60% và từ Hàn Quốc là 138 nghìn tấn…

Hiện tại giá thép chung trên toàn thị trường đang tăng giá, thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chưa chịu thuế, nên thép Trung Quốc vẫn hưởng lợi về giá tính đến hết ngày 21/3.

Chưa biết bảo hộ hàng trong nước có thúc đẩy doanh nghiệp thép trong nước phát triển hay không, nhưng trước hết doanh nghiệp thép Trung Quốc đang hưởng lợi trong câu chuyện này.

Hiệp hội Thép cho biết, bán hàng sản phẩm thép các loại của thành viên VSA tháng 2/2016 đạt 918.995 tấn trong khi đó chưa bằng sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc 922,6 nghìn tấn.

Sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 2/2016 đạt 1.168.760 tấn, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 6% so với tháng trước.

Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 178.365 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 7% so với tháng trước.

Chủ tịch Hiệp hội Thép lên tiếng

Trước tình trạng doanh nghiệp kêu trời vì giá thép, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp thép cần tăng cường sản xuất để bình ổn giá thép trên thị trường.

Theo VSA, các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới.

Thực tế, tại thời điểm chưa công bố về thuế tự vệ, giá thép 2 tháng đầu năm đã tăng trước đó vì nhu cầu về phôi thép và thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng bán hàng thép các loại tăng hơn 100%, trong đó thép xây dựng tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo chu kỳ kinh doanh hàng năm, dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới do đang trong mùa khô, thích hợp cho việc xây dựng.

Sau một thời gian dài giảm sút, thị trường nguyên liệu thép thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nhận định việc tăng trưởng trở lại chưa có dấu hiệu chắc chắn.

Hiện tại, theo thông tin thu thập của VSA, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1/2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180-185USD/Tấn).

Thêm vào đó, tác động tâm lý của các nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ, dự đoán giá thép sẽ tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài theo Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7/3/2016.

VSA khuyến nghị các doanh nghiệp xuất phôi và thép dài trong nước ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường thép trong nước.Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông và công luận về kế hoạch đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu về thép trong nước.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM