Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 được tổ chức ngày 9-12 2016 với chủ đề "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất.
Nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam và
là một nội dung quan trọng trong Diễn đàn. Ảnh: N. Tuyền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tại Diễn đàn là hết sức quan trọng ở tầm xây dựng chính sách vĩ mô, giúp các bộ, các cơ quan nhận định, đánh giá đúng tình hình, triển vọng phát triển trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, từ đó đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển phù hợp nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2017.
"Chúng tôi nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020", Thủ tướng khẳng định.
Về định hướng và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế Việt Nam năm 2017, Thủ tướng đã đề cập tới 8 giải pháp chính mà Việt Nam sẽ hướng tới.
Trong đó, một giải pháp trọng tâm được Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn lần này là việc xử lý nợ xấu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.
Để xử lý nợ xấu, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát triển thị trường mua bán nợ, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề với Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam và là một nội dung quan trọng trong Diễn đàn hôm nay. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ và chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thêm sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đồng thời có các chính sách giải pháp đột phá cho phát triển. Các chính sách của Chính phủ sẽ hướng tới khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế và phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4.
Ngoài ra, một giải pháp trọng tâm của năm 2017 được Thủ tướng nhấn mạnh đó là tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh đồng thời triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển
Chính phủ xác định tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong việc thực hiện Kế hoạch 2016-2020, đồng thời sẽ thành lập Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có độ mở lớn với kim ngạch thương mại gần 170% GDP, trong thời gian tới Việt Nam sẽ luôn chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Nguồn tin: Hải quan