Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khủng hoảng cũng là điều kiện để cơ cấu lại ngành thép

Thép xây dựng tồn kho tăng gần 2 lần, sản xuất đình đốn, có DN phá sản mà chưa tuyên bố…, đó là dấu hiệu cho thấy ngành thép đang rơi vào khủng hoảng. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA)- về thực trạng này.

Trong cuộc giao ban tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương lo ngại khi tồn kho của nhiều ngành sản xuất tăng cao, trong đó có mặt hàng thép xây dựng, xin ông cho biết thực trạng ngành thép hiện nay?

- Trong tháng 8, sản xuất thép xây dựng của các công ty thành viên VSA đạt 437.968 tấn, so với tháng trước tăng 42,29%, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại giảm 7,23%. Lượng bán ra đạt 483.249 tấn, tăng 34,53% so với tháng trước, giảm 0,76% so cùng kỳ 2010.

Về lượng tồn kho, VSA mới nắm được con số của các đơn vị sản xuất thành viên là 375.151 tấn, số lượng này cao hơn tháng trước một chút. Bình thường tồn kho thép xây dựng trong sản xuất ở mức 200.000- 250.000 tấn/tháng, nhưng những tháng gần đây, mức tồn kho sản xuất thường gấp đôi con số trên, dao động trên dưới 400.000 tấn.

Như vậy mức tồn kho trong tháng 8 tăng không đáng kể so với tháng trước, điều đó không đáng lo lắng?

- Mặc dù mức tồn kho không tăng nhiều, nhưng đáng lo ngại là tình trạng này diễn ra trong nhiều tháng. Hơn nữa, thép tiêu thụ chậm trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao, để tồn kho 1 tấn thép DN phải trả lãi vay ít nhất là 200.000 đồng/tấn- 300.000 đồng/tấn (lãi suất 17- 18%/năm), làm phát sinh thêm chi phí tài chính trong mỗi tấn thép sản xuất ra. Vì thế, DN rất sợ tồn kho, tìm mọi cách để bán ra nhưng vẫn không bán được, chỉ còn cách tiết giảm sản xuất để tồn kho không tiếp tục dâng lên. Con số tồn kho chỉ phản ánh khó khăn về tiêu thụ, nhưng trong khi thực tế hầu hết các DN đang phải giảm công lực sản xuất, thậm chí có DN phải dừng sản xuất.

Đến nay đã có DN thép nào rơi vào tình trạng phá sản hay chưa?

- Thực tế, rất nhiều DN phải sản xuất cầm chừng, có nhà máy chỉ chạy 40- 45% công suất, thậm chí chỉ 30% công suất. Dù chưa tuyên bố phá sản nhưng có nhà máy phải dừng sản xuất, nếu có bán hết tồn kho cũng không đủ trả lương công nhân chứ đừng nói đến việc trả nợ bảo hiểm hay vốn vay ngân hàng. Như Công ty cổ phần thép Vạn Lợi dù chưa công bố dừng sản xuất nhưng nếu còn tiếp tục thì dưới quyền giám sát, quản lý của các ngân hàng. Vì thế, hiện nay ngân hàng rất ngại cho DN ngành thép vay vốn. Nếu trước đây doanh nghiệp vay thế chấp chính bằng hàng hóa thì nay ngân hàng yêu cầu phải có thêm tài sản khác đảm bảo.

Không riêng Vạn Lợi, nhiều doanh nghiệp thép của Hải Phòng cũng đang khó khăn. Sau giai đoạn mới thành lập và có lãi, vài năm gần đây, Công ty cổ phần thép Đình Vũ liên tục lỗ, có niên độ lỗ tới hàng trăm tỷ đồng. Dù đã chuyển nhượng tới 70% cổ phần cho một tập đoàn đầu tư đến từ Úc thì sản xuất hiện tại của công ty vẫn chưa có dấu hiệu tích cực hơn.

Công ty cổ phần luyện thép Sông Đà- thành viên của thép Việt Ý- mới đi vào sản xuất được hơn một năm với công nghệ được đánh giá là hiện đại, thì hiện tại không chạy hết công suất. Công ty cổ phần thép Cửu Long Vinashin cũng trong tình trạng tương tự, hay Thép Gia sàng (Thái Nguyên) càng sản xuất càng lỗ...

Tuy nhiên, trong tháng 8, lượng thép xây dựng tiêu thụ lại tăng lên, theo ông đó có phải tín hiệu khả quan hay không?

- Đó có thể là một tín hiệu khả quan. Việc tăng tiêu thụ trong tháng 8 theo tôi có hai lý do: Thứ nhất, tháng 7, trước tình hình thị trường khó khan, hệ thống thương mại đã dừng mua vào, chỉ tiêu thụ hết lượng tồn kho của họ. Sang tháng 8, tồn kho lưu thông giảm nhiều, trong khi giá phôi thép thế giới có xu hướng tăng lên 20- 25 USD/tấn nên họ quyết định mua vào. Thứ hai, thường cuối năm là mùa xây dựng, các công trình dân dụng và công trình nhà nước đang cố gắng hoàn thành kế hoạch nên cũng kích thích “đầu ra” của ngành thép. Tuy nhiên, nhu cầu có bền vững hay không còn phụ thuộc vào những điều chỉnh của kinh tế vĩ mô, vào những chính sách tạo điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng cho sản xuất cho ngành thép.

Trước tình trạng tồn kho cao, các DN ngành thép đã tìm lối thoát như thế nào?

- Như tôi đã nói, hầu hết các nhà máy thép đều ghìm bớt sản xuất để tránh dâng tồn kho, nơi làm 3 ca thì giảm còn 2 ca, đồng thời tìm mọi biện pháp tiêu thụ. Mặc dù giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lên nhưng giá bán thép xây dựng trong nước vẫn giữ nguyên. Dù không công khai tuyên bố giảm giá, nhưng thực tế các DN đã giảm bằng nhiều hình thức, như không tính phí vận chuyển cho đại lý hoặc các khách hàng lớn, cho thanh toán sau mà không tính lãi… Một số doanh nghiệp đủ điều kiện về chất lượng tìm cách xuất khẩu. Xuất khẩu 8 tháng đã đạt hơn 1 triệu tấn, đạt gần khoảng 1 tỷ USD. Năm nay, dự tính lượng và giá trị xuất khẩu có thể bằng và hơn năm 2010.

Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước, hầu hết các nhà sản xuất đang phải bán dưới giá thành. Tính ra, giá phôi nhập khẩu đã là 14 triệu đồng/tấn, cộng với 1,5 triệu đồng chi phí thì phải bán trên 15,5 triệu đồng/tấn mới hòa vốn, nhưng các đơn vị chỉ bán khoảng 15 triệu đồng/tấn.

Theo ông, nguyên nhân từ đâu ngành thép lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay?

- Việc dâng tồn kho lên gấp đôi, sản xuất phải kìm lại, nhiều DN phải gánh nặng nợ ngân hàng…, theo tôi đây là hậu quả của việc đầu tư tràn lan không theo quy hoạch mà chúng tôi đã cảnh báo nhiều năm trước. Một nguyên nhân nữa là năm nay ngành thép khó khăn hơn cả năm 2008 (năm kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng) vì không còn những gói kích thích kinh tế của Chính phủ, bên cạnh đó Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, các DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, đồng thời cắt giảm nhiều dự án công. Những khó khăn này đặc biệt đè nặng lên các DN mới, đầu tư bằng vốn vay để nhập những thiết bị không tiên tiến. Vay ngân hàng nhiều mà hiện nay sản xuất không có đầu ra thì tôi chắc chắn DN đó sẽ phá sản, không thể trả nợ với tình hình này. Nhưng đối với những DN đầu tư có bài bản, nợ ngân hàng ít, nhập thiết bị tiên tiến như Thép Việt, Hòa Phát… chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn để phát triển.

Như vậy, trong khó khăn cũng là điều kiện để ngành thép chọn lọc để cơ cấu lại?

- Đúng như vậy, khủng hoảng chính là bài học, là cơ hội để chọn lọc, buộc ngành thép phải cơ cấu. DN nào sống khỏe sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển, còn những DN đầu tư không đúng hướng sẽ bị “chôn vùi” với nợ ngân hàng và sẽ bị đào thải khỏi ngành thép. Đó là quy luật!

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Baocongthuong

ĐỌC THÊM