Khủng hoảng địa ốc Trung Quốc đang kéo ngành thép nước này “chết chùm”...
Ngành thép Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ u ám mới, khi cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản nước này kéo tụt nhu cầu tiêu thụ thép, chưa kể mô hình tăng trưởng dựa vào xây dựng mà Bắc Kinh theo đuổi bấy lâu nay đang trở nên thiếu bền vững. Trong bối cảnh như vậy, một số lượng lớn doanh nghiệp thép Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ phá sản.
Thực ra, đây không phải là một nguy cơ mới của ngành thép Trung Quốc, mà đã xuất hiện từ mấy tháng trước. Tại một cuộc họp công ty hồi tháng 6, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của hãng thép Hebei Jingye Steel Group – ông Li Ganpo - cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này của ngành thép Trung Quốc có thể kéo dài 5 năm và khoảng 1/3 số nhà máy thép ở nước này có thể rơi vào phá sản trong khoảng thời gian đó. “Toàn ngành đang thua lỗ và tôi không biết đâu là điểm dừng của tình trạng này”, ông Li phát biểu – theo một tài liệu về cuộc họp do hãng tin Bloomberg thu thập được.
Trong ngắn hạn, trở ngại chính của ngành thép Trung Quốc là một số lượng lớn các dự án bất động sản bị đình trệ, mà biểu hiện chính là làn sóng người mua nhà ngừng việc trả nợ vay thế chấp nhà.
Thị trường nội địa Trung Quốc tiêu thụ khoảng 95% số thép mà nước này sản xuất ra. Trong số khoảng 1,2 tỷ tấn thép mà nước này sản xuất mỗi năm, tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 1 tỷ tấn. Trong khi đó, ngành nhà đất vốn là đối tượng tiêu thụ thép chủ lực ở Trung Quốc, chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu thép nội địa, nên khủng hoảng địa ốc đang kéo ngành thép “chết chung”.
Ngành bất động sản của Trung Quốc hiện vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết, với những thách thức lớn đặt ra đối với cả các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp địa ốc, ngân hàng, và người mua nhà ở nước này. Theo trang AG Metal Miner, hiện có khoảng 29% doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cảnh báo khả năng rơi vào cảnh vỡ nợ.
Giới phân tích nhận định rằng với chủ trương dịch chuyển sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đầu tư phát triển bất động sản và hạ tầng, Chính phủ Trung Quốc sẽ chấp nhận để thị trường địa ốc nước này tự cải tổ và thanh lọc, chấp nhận những đổ vỡ nhất định. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ giải cứu các doanh nghiệp bất động sản lớn như Evergrande Group, đồng thời tiếp tục giữ vững các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế hoạt động vay nợ của các công ty địa ốc.
Hồi tháng 7, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành thép Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Gần đây, chỉ số này hồi phục, nhưng mức điểm vẫn dưới 50 - thể hiện sự suy giảm thay vì tăng trưởng. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ giảm 5% trong năm nay.
Ngoài ra, dù kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh và nhiều khả năng nước này không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay, ngành thép cũng không thể trông chờ vào một gói đầu tư hạ tầng lớn như hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đó là bởi Bắc Kinh không muốn gia tăng gánh năng nợ nần trong nền kinh tế và như đề cập ở trên, họ muốn chuyển sang một mô hình phát triển bền vững hơn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu thép của Trung Quốc đã qua đỉnh, và từ giờ trở đi sẽ là một vòng xoáy dần đi xuống.
“Câu chuyện lần này thực sự khác”, CEO Leland Miller của China Beige Book International, một công ty chuyên theo dõi ngành thép Trung Quốc, nhận định. “Với ngành bất động sản không còn được giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng, những hàng hoá cơ bản như thép sẽ không còn được hưởng lợi ích của nguồn vốn tín dụng bất tận”.
Trong ngắn hạn, trở ngại chính của ngành thép Trung Quốc là một số lượng lớn các dự án bất động sản bị đình trệ, mà biểu hiện chính là làn sóng người mua nhà ngừng việc trả nợ vay thế chấp nhà. Họ tuyên bố hoãn thanh toán các khoản đáo hạn cho ngân hàng chừng nào dự án còn chưa hoàn tất. Giá thép xây dựng ở Trung Quốc thời gian qua giảm chóng mặt, bất chấp sản lượng thép trên đà giảm.
Để cứu giá thép, doanh nghiệp thép Trung Quốc muốn cắt giảm sản lượng hơn nữa, nhưng một số nguồn tin trong ngành tiết lộ rằng chính quyền các địa phương muốn các nhà máy thép cố gắng duy trì sản lượng để không để ảnh hưởng đến các số liệu kinh tế.
Các nhà máy thép từng được xem như “các nhà vô địch” trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, một số thậm chí từ những xưởng nhỏ ở nông thôn trở thành doanh nghiệp trị giá nhiều tỷ USD. Giới phân tích nhận định rằng đến một thời điểm nào đó, ngành địa ốc Trung Quốc sẽ thoát khủng hoảng, nhưng cơ hội để ngành này tạo ra sự bùng nổ trong nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới như trong những thập kỷ qua là rất thấp. Bởi vậy, cơ hội của các doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng không còn được như trước.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu thép của Trung Quốc đã qua đỉnh, và từ giờ trở đi sẽ là một vòng xoáy dần đi xuống.
Dữ liệu từ ngành thép Trung Quốc cho thấy, trong tháng 7, chưa đầy 20% số doanh nghiệp thép ở nước này có lãi, so với tỷ lệ 80% trước tháng 3.
Trong lúc thị trường thép Trung Quốc tụt dốc, các nhà sản xuất thép nước này cũng khó dựa vào xuất khẩu, vì kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ suy thoái. Theo tờ báo tài chính Trung Quốc Caixin, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua, giảm còn 4,984 triệu tấn, thấp hơn 19% so với tháng 8 và chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất khẩu 51,2 triệu tấn thép, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng thép toàn cầu, nên khi ngành thép Trung Quốc “lâm nạn”, giá quặng thép của thế giới cũng lao dốc theo, ảnh hưởng đến các nhà khai mỏ từ Australia tới Brazil. Hồi cuối tháng 10, giá quặng sắt giao sau tại thị trường Singapore đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 năm, còn hơn 82 USD/tấn. Kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 3, giá quặng đến nay đã giảm hơn một nửa.
Nguồn tin: vnEconomy