Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU- thuộc Tạp chí The Economist của Anh), mới đây nhận định khủng hoảng tài chính sẽ thúc đẩy quá trình tổ chức lại nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn: Chinhphu.vn
Dự báo đến năm 2014, kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ - 2 trong 4 nước thuộc nhóm BRIC, sẽ chiếm tới 17% GDP toàn cầu (tính theo sức mua) |
Kinh tế của các nước BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), đặc biệt là Trung Quốc và các thị trường đang nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh khác trong một vài năm qua đã đưa vấn đề cân bằng toàn cầu trở nên cấp thiết.
Sự chuyển dịch các trung tâm hấp dẫn về kinh tế từ các nước giàu sang các nước đang phát triển đã diễn ra. Các nước đang phát triển ngày càng chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong GDP toàn cầu và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Tiến trình này phản ánh các yếu tố thuận lợi như xu hướng dân số, tình hình tài chính của chính phủ, của các hộ gia đình và lĩnh vực tài chính ở các nước đang nổi.
Mặc dù khủng hoảng cũng làm giảm khả năng tăng trưởng, nhưng các nước đang phát triển (trừ khu vực Đông Âu), không phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc của nền kinh tế. Còn các nước giàu đang phải đối mặt với giai đoạn cân đối lại thu chi đầy khó khăn.
Trong khu vực công, các vấn đề tài chính nghiêm trọng đang buộc chính phủ các nước phải tiết kiệm tới mức mà tăng trưởng GDP có thể sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều năm tới. Ở khu vực tư, việc phải tiếp tục cắt giảm nợ làm cho người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu và các doanh nghiệp cũng không muốn đầu tư thêm.
Sự phục hồi trên toàn cầu đã che đậy những vấn đề này, đặc biệt là khi lợi nhuận của các công ty và giá tài sản tăng. Tuy nhiên, không nên xem đó là bằng chứng về việc khắc phục các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã gần hoàn thành.
Tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ vẫn rất yếu. Nợ của các hộ gia đình tăng mạnh trong thời kỳ “bong bóng” tín dụng và bây giờ mới chỉ là sự bắt đầu cho quá trình cắt giảm nợ lâu dài. Cho đến nay, tỷ lệ nợ so với tài sản và thu nhập của các hộ gia đình đã giảm, nhưng vẫn đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh lớn và trong quá trình này, các hộ gia đình Mỹ sẽ khó có thể đảm nhận được vai trò truyền thống là “người tiêu dùng của thế giới”.
Trong bối cảnh đó, dù kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái kép hay không, nhưng chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ yếu ở các nước phương Tây trong nhiều năm tới. Các nền kinh tế đang nổi sẽ tự động đảm nhận vai trò trung tâm hơn trong nền kinh tế toàn cầu đồng thời hứa hẹn trở thành nguồn thu nhập và lợi nhuận quan trọng hơn đối với nhiều công ty.
Dự báo đến năm 2014, tính theo sức mua, kinh tế Mỹ sẽ chỉ còn chiếm 22% GDP toàn cầu, so với mức 31% của năm 2000, trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm 17% so với mức 5% trước đây.
Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng cho thấy sự chuyển dịch từ các các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Số liệu gần đây cho thấy các nước đang phát triển đang nhanh chóng đuổi kịp các nước phát triển trong việc trở thành điểm đến của FDI.
Theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2010 của Cơ quan Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), trong năm 2009, FDI vào các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là 548 tỷ USD, trong khi đó, các nước phát triển chỉ cao hơn chút ít, với 566 tỷ USD.
Mặc dù cho rằng khoảng cách giữa FDI vào các nước đang phát triển và các nước nước phát triển sẽ tăng lên trong 4-5 năm tới nhờ sự phục hồi của việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở các nước đang phát triển và nhờ các nước phát triển có thu nhập đầu người cao hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, tệ tham nhũng giảm và rủi ro ít hơn, nhưng EIU khẳng định không nên nghi ngờ việc quyền lực kinh tế đang chuyển dần sang các nước đang nổi./.