Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,7% như mục tiêu đề ra, bình quân GDP 9 tháng còn lại của năm phải đạt 7,1%. Với tình hình hiện nay, phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu này.
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế 2017?
Hôm qua (4/5), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức báo cáo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Cụ thể, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ của các năm từ 2011 - 2016.
Quả thực, 7,1% là mức tăng trưởng khá cao, nếu so với mức bình quân tăng 6,4% của 9 tháng cuối năm 2016, hay tương ứng 6,8%, 6,2%, 5,6%, 5,4% và 6,3% của cùng kỳ các năm 2015 - 2011. Trong khi đó, nền kinh tế đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù sang tháng 4/2017, tình hình kinh tế diễn biến tích cực hơn, song vẫn còn không ít khó khăn. Chẳng hạn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tiến bộ hơn quý I, nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ. Ước tính 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng của quý I (4,1%), nhưng khá thấp so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo thời điểm ngày 1/4/2017 cũng vẫn ở mức cao, tăng 12,7%, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2016 (8,9%).
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp chỉ vừa phục hồi trong quý I đã gặp khó khăn ngay trong thời điểm quý II vừa bắt đầu. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là chăn nuôi lợn đang đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa nguồn cung nghiêm trọng, giá bán giảm xuống dưới giá thành sản xuất, làm người chăn nuôi thua lỗ, cả xã hội đang bàn cách “giải cứu”.
Thêm vào đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù 4 tháng qua, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 61,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,5%), song do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, nên nhập siêu vẫn lớn. Con số nhập siêu sau 4 tháng đầu năm đã lên tới 2,74%, bằng 4,47% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua (3,5%). Nhập siêu lớn không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, mà cũng “đe dọa” tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tỷ giá hối đoái.
Trong bối cảnh như vậy, kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán là tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%, thì bình quân 9 tháng còn lại của năm, tăng trưởng GDP mới có thể đạt mức 7,1%. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% GDP, Samsung đạt mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tăng 20% so với năm trước và các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều thuận lợi.
Nhiệm vụ nặng nề
Nhiệm vụ rất nặng nề, nếu quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Kế hoạch đó chỉ có thể đạt được trong điều kiện như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo.
Một tin đáng mừng, Samsung vừa báo cáo với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhân chuyến thăm của Phó thủ tướng tới Nhà máy Samsung Thái Nguyên rằng, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của tất cả các nhà máy của Samsung tại Việt Nam sẽ lên tới 50 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016. “Đây là sự đóng góp đáng kể cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, xuất khẩu và tăng trưởng GDP nói chung, do vậy, các bộ, ngành cần bám sát kế hoạch sản xuất trong năm 2017 của Samsung để hỗ trợ, thúc đẩy”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Chính phủ thực hiện một loạt giải pháp. Chẳng hạn, tăng sản lượng khai thác dầu khí, tối thiểu đạt 1 triệu tấn, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu; các bộ, ngành và địa phương chủ động, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó phối hợp với các doanh nghiệp có các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn, nhằm giải phóng hàng tồn kho hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ... Đồng thời, rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành, nhưng chưa đi vào hoạt động, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đóng góp chung cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, sẽ rà soát các dự án tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký đầu tư, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để doanh nghiệp nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế…
Kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán là tăng trưởng GDP quý II phải đạt 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc thúc đẩy đầu tư các dự án trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành... để tạo cú hích trong đầu tư và tăng trưởng…
Một điều quan trọng khác, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, thì các nền kinh tế đang phát triển và tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có Việt Nam, cần dự tính các kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp. Chẳng hạn, kịch bản khi nền kinh tế có yếu tố hội nhập toàn cầu, chịu tác động mạnh bởi diễn biến kinh tế, chính trị của thế giới; kịch bản khi nền kinh tế ở tình trạng bị cản trở bởi chủ nghĩa bảo hộ dân tộc, thương mại toàn cầu gặp khó khăn, cần có sự điều chỉnh giữa thương mại quốc tế và tiêu dùng trong nước; kịch bản khi kinh tế rơi vào tình trạng bị trì trệ, cần tìm kiếm những giải pháp đột phá...
Nguồn tin: Đầu tư