Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kích cầu nhìn từ nhiều mặt

 

Ảnh minh họa

Trong khủng hoảng cần có những biện pháp chăm sóc khẩn trương để tránh cả hệ thống kinh tế bị đột quỵ. Tuy nhiên, điều này không thể đi ngược với mục đích chung là cứu vãn và tạo cơ hội cho nền kinh tế sống lại, phát triển lâu dài. Chăm sóc không có nghĩa là bao cấp.
Chúng ta cũng chưa rõ chính phủ sẽ tiếp tục kích cầu như thế nào trong thời gian tới. Nhưng nếu có, thì khoản tiền 8 tỉ USD như được thông báo liệu có làm cho nền kinh tế bừng dậy giống như thuốc kích thích mạnh khi cả nền kinh tế đang “xìu”, hoặc chí ít là lóe lên một sự hồi phục.
Tuy nhiên, 8 tỉ USD là một con số rất lớn, cộng với một tỉ USD đã sử dụng thì gói kích cầu của chúng ta đã chiếm trên 10% GDP. Thật ra số tiền này không lớn nếu sử dụng đúng, thật sự có hiệu ứng kích cầu nhanh, công bằng, đồng thời xây dựng lại cơ cấu kinh tế. Nhưng nếu sử dụng chỉ để “kích thích” mà không có hiệu ứng “đả thông huyệt đạo” - không giúp cơ thể vừa hồi phục sức khỏe, vừa nâng cao thể lực về lâu về dài - thì lợi bất cập hại.
Số tiền càng lớn thì rủi ro càng cao, phản ứng phụ của liều thuốc kích thích này sẽ bị nhân lên nhiều lần. Tiền nhiều thì cơ hội tiêu cực càng nhiều, tính ù lỳ của hệ thống càng tăng nếu kích không đúng chỗ.
Vì thế các biện pháp kích cầu không phải chỉ là cứu cánh nhất thời, mà cùng lúc phải phục vụ mục tiêu xây dựng hệ thống để tăng tính cạnh tranh. Nhà nước cần đo lường mức độ can thiệp, với mục đích cuối cùng như thế nào, và khi nào phải ngừng can thiệp.
Với gói 1 tỉ USD kích cầu, những hiệu quả ban đầu đã được ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có một số người cho rằng chúng ta đã kích cung chứ không phải kích cầu. Cung và cầu là hai mặt của một vấn đề. Nếu “kích” đúng người sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và tạo được công ăn việc làm lớn thì họ sẽ tạo ra cầu cao về nhân công, nguyên vật liệu, vốn…
Nói cách khác, kích cung cũng là cách kích cầu gián tiếp. Nhưng vấn đề ở đây là tại sao muốn “kích cầu” mà hiệu quả phần lớn là kích cung cho các doanh nghiệp nhà nước là thành phần có khả năng kích cầu thấp và tạo công ăn việc làm ít hơn so với các doanh nghiệp tư nhân?
Điều này giải thích tại sao có nhiều ý kiến quan ngại về việc hơn 70% vốn kích cầu chảy vào các doanh nghiệp nhà nước và đáo nợ trong ngân hàng, vì rõ ràng tổng dư nợ không tăng bao nhiêu. Thật ra việc đáo nợ với lãi suất thấp hơn cũng có giá trị kích cầu nhưng vấn đề ở đây là các doanh nghiệp nhận được ưu đãi này có phải là đối tượng ưu tiên để kích hoạt nền kinh tế hay không?
Vậy, vấn đề kích thích kinh tế của Việt Nam nằm ở đâu?
Gói kích cầu lần đầu với 1 tỉ USD đã có hiệu quả “kích”, nhưng đồng thời cũng thể hiện rất rõ nét những vấn đề lớn trong cơ chế chính sách kinh tế của ta: 1) vấn đề cơ cấu hệ thống (ai đáng nhận được, làm gì có hiệu quả kinh tế cao nhất và đạt tính công bằng xã hội?); và 2) vấn đề thông tin (thông tin không minh bạch, rõ ràng thì ngay cả người làm chính sách cũng khó biết cần phải làm gì cho đúng, kết quả ra sao, và giám sát như thế nào?). Nếu hai vấn đề này chưa được giải quyết thì xài tiền càng nhiều càng có rủi ro cao.
Rủi ro kép với bảo lãnh
Một chi phí lớn trong gói kích cầu 8 tỉ USD này là để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Khi Nhà nước xài tiền, tốc độ, tính hiệu quả (làm được gì và làm sao chi trả) và tính công bằng phải đảm bảo. Khi Nhà nước không chọn được nơi xứng đáng nhận số tiền kích cầu thì đó sẽ là rủi ro lớn. Chọn đúng người và chuyển tiền về đúng địa chỉ rất khó, do vậy chọn đúng được 50% đã là một tỷ lệ cao. Nhưng ngay cả như vậy, thì xác suất 50% chọn sai kia sẽ tạo ra giá trị âm, triệt tiêu những cái được.
Câu chuyện càng nguy hiểm hơn khi khung giám sát của Việt Nam chưa đủ và chưa toàn diện. Điều này cũng dễ hiểu vì mục đích chính của giám sát là để xử lý những báo động không thường xuyên của một hệ thống đã được thiết kế đúng nguyên tắc. Mục tiêu của giám sát không phải là để có biện pháp tình thế cho một hệ thống chưa chuẩn.
Hơn nữa, giám sát cần thông tin chính xác và kịp thời. Hệ thống thông tin của chúng ta còn tản mạn giữa các bộ, ngành; phần lớn lại không được công khai. Cho nên ngay cả Nhà nước cũng không thể có thông tin phản hồi đầy đủ và chính xác để điều chỉnh đúng mức và kịp thời; và người dân cũng không có đủ thông tin để tiên liệu điều kiện làm ăn, cũng như giúp chính phủ nhận được những phản hồi chính xác về điều kiện thị trường.
Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp là tự đặt mình vào rủi ro kép: một là đầu tư vào doanh nghiệp không đáng được đầu tư; hai là có thể đầu tư sai hoặc chấp nhận đầu tư với rủi ro cao, vì đã có người bảo lãnh. Và khi đó, họ sẽ kéo luôn người bảo lãnh sụp.
Người bảo lãnh hồ hởi bảo lãnh để có phí bảo lãnh, hoặc làm cho xong chỉ tiêu được giao phó. Người bảo lãnh chính họ không có đủ khả năng đánh giá tốt những gói đầu tư mà mình đang bảo lãnh. Nhà đầu tư và người bảo lãnh thông đồng cấu kết để cho ai cũng “được việc”. Kết cục là “trời mưa rồi đất cũng phải chịu”, cả xã hội phải trả cái giá rất đắt. Xin đừng quên Công ty Bảo hiểm AIG của Mỹ sụp cũng vì những lý do này, mặc dù hệ thống tài chính Mỹ đã có tất cả những định chế “giám sát” tinh vi nhất thế giới.
Thực ra, quan điểm kích cầu đơn giản nhất chính là Nhà nước làm càng ít càng tốt, bởi trong thực tế Nhà nước phải làm rất nhiều việc và không có khả năng ôm đồm.
Có một số biện pháp kích cầu đạt đủ điều kiện công bằng, nhanh chóng, hiệu quả, như là chính phủ dùng số tiền kích cầu để giảm giá xăng dầu, điện nước, giảm thuế VAT… Đây là những biện pháp có tác động kích cầu tức thời và trực tiếp đến mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp, và tùy theo mức độ tiêu dùng. Nhưng không hiểu tại sao đến nay biện pháp này vẫn chưa được bàn đến?
Rủi ro lạm phát?
Rót 8 tỉ USD vào nền kinh tế, nguy cơ lạm phát có hiện hữu?
Thực ra, nếu kích thích kinh tế không đạt hiệu quả cao, không tăng được nội lực, thì tự nó sẽ tạo rủi ro lạm phát cao, góp phần tạo ra siêu lạm phát khi kinh tế phục hồi, lúc chúng ta có yêu cầu đầu tư lớn hơn để tăng trưởng trong khi hiệu suất đầu tư vẫn còn thấp.
Muốn nâng nội lực - điều kiện cần và đủ để phát triển có chất lượng và bền vững - thì định hướng ưu tiên vào thời điểm này là thay đổi cơ chế để tích cực “tư hữu hóa rủi ro và xã hội hóa cơ hội” hơn nữa.
Cần để tư nhân tham gia tối đa vào các chương trình, hoạt động kinh tế, để phần lớn của cải xã hội được đưa vào nền kinh tế nhiều hơn. Khu vực tư nhân năng động sẽ tạo công ăn việc làm nhiều hơn trên đồng vốn đầu tư, và chịu trách nhiệm trực tiếp với tiền đầu tư của họ. Do vậy đương nhiên họ phải xử lý rủi ro nhanh hơn và tốt hơn, nhờ vậy góp phần tăng năng suất chung của nền kinh tế.
Nhà nước không phải cõng quá nhiều rủi ro đầu tư trong khi Nhà nước ở đâu cũng vậy, không có khả năng đánh giá rủi ro và phản ứng nhanh bằng thành phần kinh tế tư nhân. Xã hội hóa cơ hội kinh tế chính là tạo tính công bằng một cách hiệu quả nhất, để mọi người có cơ hội như nhau trong phát triển, cũng như tăng lòng tin vào hệ thống. Đó chính là góp phần xây dựng cái “vốn xã hội” quý giá mà chúng ta đang cần để phát triển.
Rủi ro phản tác dụng
Ngoài những điều trên, còn có thêm rủi ro về thâm hụt ngân sách vì nguồn tài trợ cho gói kích cầu lần này chủ yếu là tự vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ. Nhưng để huy động được một nguồn vốn lớn như vậy từ người dân, Nhà nước bắt buộc phải tăng lãi suất huy động. Đây là một mâu thuẫn lớn với mục tiêu duy trì lãi suất thấp để kích thích đầu tư, tăng trưởng.
Với số tiền huy động được từ dân, nếu Nhà nước không có khả năng “kích” tốt hơn là người dân tự kích bằng đồng tiền dành dụm sẵn có của mình, thì đây cũng là một rủi ro kép khác: gánh nặng thâm hụt ngân sách và gây hệ lụy lâu dài cho khả năng đầu tư khi kinh tế hồi phục.
Nên chăng chính phủ chọn giải pháp kích cầu một cách dè dặt nhưng tập trung hơn. Dè dặt với nhiều gói nhỏ hơn, chẳng hạn như 2 tỉ USD, để giảm rủi ro ngân sách, để có cơ hội và thời gian đo lường, điều chỉnh tính hiệu quả. Tập trung hơn có nghĩa là tuân thủ các yêu cầu nhanh chóng, hiệu quả và công bằng dựa vào số đông, theo tỷ lệ tiêu dùng của từng đối tượng. Hỗ trợ giá xăng dầu, phí điện nước, giảm thuế VAT là những biện pháp kích cầu cụ thể đạt mục tiêu.
Ngoài ra chúng ta cũng phải đặt trọng tâm trong nỗ lực cải thiện cơ chế thị trường, cải cách hành chính để hành động là chính, nói được là làm được; hoàn thiện khung pháp lý từ kinh tế đến dân sự để giải quyết sự chồng chéo, bất cập, bất công, không chỉ nhằm tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn mà còn xây dựng một xã hội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

ĐỌC THÊM