Cho dù nền kinh tế đang cần tăng trưởng, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể đánh đổi bằng chất lượng tín dụng.
Đây là yếu tố mà các ngân hàng phải đặt lên hàng đầu, nếu ép tăng trưởng, hạ chuẩn tín dụng, thì ngân hàng lại rơi vào rủi ro và lúc đấy khó có thể đoán định nền kinh tế sẽ đi về đâu.
Tổng cầu suy giảm
Tại tọa đàm “Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế: những vấn đề đặt ra trong quý I/2013 và một số khuyến nghị chính sách” vừa diễn ra hôm 7/5, các chuyên gia nhận định, tổng cầu giảm, hàng tồn kho chính là nút thắt tín dụng chưa thể được cải thiện.
Theo báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý I/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát quý I/2013 tăng 2,39% so với đầu năm. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Số liệu thống kê của cơ quan này về doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ước tăng khoảng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 4,5% thấp hơn 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm 4,9% so với cùng kỳ…
Tổng cầu suy giảm, sản xuất gặp khó nên các doanh nghiệp không mặn mà vay vốn
Mức tăng thấp này đã phản ánh tổng cầu của nền kinh tế và sức mua hiện rất thấp. Nguyên nhân do việc sản xuất kinh doanh của DN đình trệ, kéo theo thu nhập thực tế của người lao động giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng… khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này không chỉ khiến cho sức mua trên thị trường giảm mà còn làm suy yếu niềm tin thị trường. Như một vòng luẩn quẩn, nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn đến lượng tồn kho của DN rất lớn.
Tính đến thời điểm 1/3/2013 chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012. Và chính vì lẽ đó, dù hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất thì tín dụng vẫn chưa thể cải thiện. Theo NHNN, tính đến 25/4 tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,73%.
TS. Nguyễn Đức Trung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng – Học viện Ngân hàng nhận định, các giải pháp tiền tệ - tín dụng được NHNN điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với chuyển dịch cơ cấu tín dụng tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2013, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm dần tạo điều kiện cho các DN có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả tiếp cận dễ dàng hơn. Song, đến thời điểm này, tín dụng vẫn chưa thể tăng mạnh và nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất chỉ chiếm vai trò rất nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng do vướng nút thắt tồn kho.
Mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết, tổng công suất của ngành này có thể cung cấp cho thị trường khoảng 11 triệu tấn thép. Nhưng nhu cầu thị trường trong thời gian qua chỉ 5 – 6 triệu tấn, thậm chí còn thấp hơn vào thời điểm Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, các DN ngành này không có nhu cầu vay vốn.
“Với mức tiêu thụ như vậy không DN nào lại đi vay vốn để tăng thêm chi phí khiến khó khăn chồng chất cho mình”, Phó vụ trưởng Vụ CSTT - NHNN Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, với những đối tượng này, lãi suất 0% cũng là quá cao đối với họ.
Bên cạnh yếu tố tổng cầu thấp, tăng trưởng tín dụng còn phải đối mặt với thách thức nữa là độ trễ chính sách cũng như tính hiệu quả chưa cao của một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bàn về vấn đề này, Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, do đánh giá về những yếu kém của nền kinh tế chưa đúng nên việc đưa ra các giải pháp với liều lượng chưa phù hợp. Trong khi các giải pháp hỗ trợ chưa phát huy tác dụng, chi phí sản xuất, giá thành chưa giảm được, thì một loạt các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện… đồng loạt điều chỉnh tăng khiến khó chồng khó lên vai DN.
“Sự không nhất quán trong điều hành đã hạn chế hiệu quả chính sách”, bà Hương nói thêm.
Kích từ đâu?
TS. Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, để tiền chảy được vào nền kinh tế, cần có sự bảo lãnh của Chính phủ với những dự án trọng điểm, có tiềm năng… qua đó các ngân hàng sẽ có cơ sở để mạnh dạn cho vay hơn. Do thời gian qua môi trường kinh tế vĩ mô ảm đạm, tổng cầu yếu khiến các ngân hàng chùn tay cho vay bởi những lo ngại khả năng trả nợ khách hàng suy giảm.
“Khẩn trương thành lập VAMC sẽ giúp hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, theo đó dòng tiền vào nền kinh tế cũng sẽ được khơi thông”, TS. Nguyễn Đức Hưởng đề xuất.
Còn phía nhóm nghiên cứu Học viện Ngân hàng thì cho rằng, để triển khai hiệu quả, NHNN cần đặt ra mốc thời gian và lộ trình cụ thể cho các TCTD trong việc chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung nguồn vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai các gói tín dụng “chuyên nghiệp” hơn. Tức là đưa ra các sản phẩm tín dụng cho vay theo chuỗi của người nuôi, thu mua, chế biến… tạo chu trình khép kín cho sự tham gia của vốn tín dụng vào chuỗi liên kết sản xuất – thu mua – tiêu thụ sản phẩm. Việc tạo chuỗi giá trị như trên giúp khách hàng tìm đầu ra sản phẩm, tăng khả năng trả nợ theo đó giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro và mạnh dạn vay vốn hơn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích thích lực cầu cho nền kinh tế. Để hỗ trợ DN vượt khó, ông Phạm Xuân Hòe đề xuất, nếu DN có phương án tốt, đầu ra sản phẩm, phục hồi năng lực sản xuất, ngân hàng cho phép họ cơ cấu lại nợ, hay nói cách khác ngân hàng chấp nhận “nuôi nợ”. Như vậy DN mới mạnh dạn vay vốn tiếp tục chu trình sản xuất.
Ở góc độ khác, các chuyên gia nhóm nghiên cứu Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa vào vốn, trong đó nguồn vốn từ ngân hàng đóng một vai trò rất lớn. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào nguồn vốn đang bộc lộ những nhược điểm mà Việt Nam cần phải thay đổi nếu muốn vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều quốc gia đang vấp phải.
Và một điều các diễn giả lưu ý, dù nền kinh tế đang cần tăng trưởng, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể đánh đổi bằng chất lượng tín dụng. Đây là yếu tố mà các ngân hàng phải đặt lên hàng đầu, nếu ép tăng trưởng, hạ chuẩn tín dụng, thì ngân hàng lại rơi vào rủi ro và lúc đấy khó có thể đoán định nền kinh tế sẽ đi về đâu.
Theo Thời báo ngân hàng