Năm 2018, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu (NK) mặt hàng ôtô trong phạm vi các nước ASEAN về 0% sẽ gây áp lực không nhỏ đến cán cân thương mại giữa 2 khu vực thị trường, tăng nguy cơ nhập siêu từ ASEAN. Do đó, cần triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế đà nhập siêu từ ASEAN.
Sắt thép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN
Nhập siêu kéo dài
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang ASEAN đạt 3,48 tỷ USD, tăng 11,2%; kim ngạch NK hàng hóa từ ASEAN về Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Việt Nam nhập siêu từ ASEAN khoảng 920 triệu USD.
Trước đó, năm 2017, tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 49,53 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang ASEAN đạt 21,51 tỷ USD, tăng 23,9%. Tổng trị giá hàng hóa NK từ ASEAN là 28,02 tỷ USD, tăng 16,4%. Mức thâm hụt cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam với 6,51 tỷ USD.
Tăng trưởng XK từ Việt Nam sang thị trường ASEAN cho thấy, nước ta đã từng bước tiếp cận và tận dụng được lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, NK của Việt Nam từ khối thị trường này cũng không nhỏ và trong một thời gian dài (mất cân bằng vì nhập siêu). Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định, nguyên nhân chính là hàng hóa Việt Nam và ASEAN có những điểm tương đồng nhất định nhưng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam không bằng hàng hóa của Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Cụ thể, vài năm gần đây, Việt Nam chủ yếu xuất sang ASEAN các nhóm hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phương tiện vận tải, phụ tùng; hàng dệt may; dầu thô; xăng dầu; nông - lâm - thủy sản… Trong khi đó, NK các mặt hàng thiết yếu là nguyên phụ liệu đầu vào, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như: Xăng dầu các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; ôtô nguyên chiếc; nông - lâm - thủy sản… Tuy nhiên, ngoài điện thoại là mặt hàng có sức cạnh tranh và giá trị cao, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam có chất lượng không cạnh tranh được và lượng XK không nhiều bằng NK.
Ngoài ra, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang nhập siêu khá mạnh từ thị trường Thái Lan với 843 triệu USD sau 2 tháng đầu năm. "Hàng Thái Lan có chất lượng và giá rất cạnh tranh, cùng chiến lược tiếp thị và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam tương đối bài bản. Ở chiều ngược lại, hàng Việt Nam có sức cạnh tranh không bằng" - ông Phương cho hay.
Nỗ lực giảm nhập siêu
Theo lộ trình thực hiện Hiệp định ATIGA, thuế NK ôtô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40% và đến năm 2018 về 0%. Như vậy, dự báo năm 2018, lượng xe ôtô NK từ các thị trường trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia về Việt Nam còn tăng cao, gây áp lực lên nhập siêu.
Để gỡ vướng cho doanh nghiệp sản xuất, NK ôtô, đồng thời kiềm chế đà nhập siêu từ ASEAN, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo việc kiểm soát NK ôtô trong nội khối ASEAN theo cam hết Hiệp định ATIGA. Cụ thể, để NK ôtô về Việt Nam và hưởng mức thuế ưu đãi NK 0% theo cam kết trong ATIGA kể từ năm 2018, chỉ có những dòng ôtô đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trong ASEAN mới nhận được ưu đãi này (tránh tình trạng lách thuế).
Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại(Bộ Công Thương): Giải pháp quan trọng và duy nhất là phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK cả về chất lượng và giá. Có như vậy, mới giúp giảm dần nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại.
Nguồn tin: Công thương