Công việc kiểm soát nội bộ là việc diễn ra rất thường ngày. Tuy nhiên, chính các ngân hàng lại đang tổ chức theo kiểu bó chân các kiểm soát nội bộ.
Thiếu quy định?
Một trong những vấn đề mà các kiểm soát nội bộ rất hay than là hệ thống quy định nội bộ của ngân hàng. Ở nước ta, nhiều ngân hàng chưa chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các văn bản nội bộ để điều chỉnh các hoạt động nghiệp vụ hoặc có xây dựng thì cũng rất chung chung, không khác gì văn bản của Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho toàn hệ thống, mà không cụ thể hóa thành nét riêng biệt của ngân hàng.
Một ví dụ cho thấy, việc sử dụng chữ ký khắc dấu đang là một tranh cãi. Có được phép sử dụng trong các hoạt động ngân hàng hay không? Ở đây, hóa đơn giá trị gia tăng, séc... có quy định rất rõ ràng là không được phép sử dụng chữ ký con dấu thì khi bộ phận kiểm soát nội bộ phát hiện việc có thể có căn cứ nhắc lỗi. Nhưng, cũng không có nội dung nào yêu cầu không được sử dụng chữ ký khắc dấu trong các hợp đồng tín dụng, hợp đồng kinh tế... Vậy, việc sử dụng có hợp pháp hay không?
Việc thiếu các quy định nội bộ sẽ dẫn đến nhiều công việc đường giải quyêt theo đường "tờ trình", tức là các vấn đề sẽ làm theo thói quen, không có quy định thành văn, và Ban Điều hành sẽ căn cứ theo tờ trình mà quyết, hay nói cách khác, công việc sẽ đúng nếu tờ trình được phê duyệt, còn không thì sai.
Và nói như một Phó Phòng Pháp chế của một ngân hàng thì: "Trình xin được gì thì xin, chứ quy định không có". Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ "lạm quyền" của Ban Điều hành, không có luật lệ ràng buộc. Và liệu, khi đánh giá sự tuân thủ thì có cơ sở hay không?
Các ngân hàng mới thành lập hệ thống quy định yếu có thể hiểu được, nhưng có những ngân hàng thành lập tương đối lâu năm mà hệ thống văn bản nội bộ vẫn còn sơ xài, không chi tiết, không đầy đủ thì quả thực là đáng trách. Chính những điều này đang không chỉ bó chân kiểm soát nội bộ, mà còn bó chân cả kiểm toán nội bộ bởi vì không có hệ thống chuẩn thì giám sát tuân thủ như thế nào?
Trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều mảng ranh giới đúng và sai rất mong manh nên nếu quy định lờ mờ thì ranh giới này lại càng mỏng và dễ bị dẫn đến thành rủi ro.
Kiểm soát nội bộ ngồi ở đâu?
Đây cũng lại đang là một câu trả lời rất khó đối với các ngân hàng. Hiện nay, hai mô hình chủ yếu là Kiểm soát nội bộ chỉ có trên hội sở và phân công về đi kiểm tra chi nhánh và thứ hai là mỗi chi nhánh có bộ phận kiểm soát nội bộ riêng. Mô hình thứ hai khiến cho hệ thống không thông suốt về không gian địa lý và chịu nhiều ảnh hưởng của chi nhánh. Tuy nhiên, nó cũng có ưu điểm là vươn tới được từng chi nhánh, hàng ngày, hàng giờ ở chi nhánh.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang nghiêng về mô hình tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ thống nhất từ trên xuống dưới. Nếu chỉ đặt ở hội sở, và toàn bộ chuyên viên làm việc ở hội sở thì dẫn đến tình trạng là một năm có thể chỉ kiểm tra được 1 lần chi nhánh, do cách trở về mặt địa lý.
Để khắc phục hiện tượng này, các ngân hàng đã bắt đầu bố trí kiểm soát nội bộ ngồi tại các chi nhánh, nhưng biên chế thuộc về hội sở. Mô hình này đang tỏ ra có một số hiệu quả nhất định khi kiểm soát nội bộ vẫn độc lập với chi nhánh, vẫn đảm bảo theo dõi được các công việc tại chi nhánh.
Nhưng trên thực tế, phát sinh một vấn đề là các ngân hàng đang có xu hướng xây dựng hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung, nên chắc chắn việc bố trí kiểm soát nội bộ mảng tín dụng ở chi nhánh là không cần thiết, chỉ bổ trí lực lượng kiểm soát sau để kiểm tra chứng từ kế toán...
Nhìn chung, mô hình kiểm soát nội bộ trực thuộc hội sở hay chi nhánh vẫn đang tiếp tục phải bàn và tiếp tục hoàn thiện. Việc này thể hiện qua việc chức năng, cơ cấu tổ chức của các đơn vị kiểm soát nội bộ, đặc biệt là kiểm soát sau hay bị thay đổi, từ trực thuộc Khối này sang khối Khác, từ trung tâm này sang trung tâm khác...
Bản thân công tác kiểm soát nội bộ cũng không phải là vị trí "hot" trong ngân hàng bởi vì tính chất công việc đặc thù cần sự tỷ mẩn, cận thận, sự nhàm chán dễ bắt gặp do phải lặp đi lặp lại công việc, do tính kép kín ngồi ở bộ phận back-office. Bản thân chế độ dành cho bộ phận kiểm soát nội bộ không phải là cao. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc phải thay người ở bộ phận kiểm soát nội bộ nhiều, đào tạo lại rất mất thời gian, công sức của ngân hàng.
Các ngân hàng cần phải dựa vào mô hình tổ chức, chiến lược phát triển của mình để tổ chức mô hình kiểm soát nội bộ cho phù hợp với đặc thù ngân hàng, nhưng phải tuân theo nguyên tắc: kiểm soát nội bộ cần phải tham gia vào các quy trình nghiệp vụ hàng ngày của ngân hàng để kịp thời phát hiện, xử lý các rủi ro khi cần thiết. Nhưng muốn thế, phải trao quyền cho các chuyên viên, kiểm soát viên nội bộ cần thiết và bản thân lực lượng này cũng phải rèn luyện bản lĩnh với trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho ngân hàng.
Nguồn tin: VEF.VN