VOV.VN - Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng phôi thép hợp kim nhập khẩu năm 2015 của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Cao Quốc Hưng mới ký Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố Boron, Crom tại các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thép.
Đoàn kiểm tra có 8 thành viên bao gồm đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương; Đại diện Bộ Tài chính; Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Thép Việt Nam.
Theo Quyết định, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng phôi thép hợp kim nhập khẩu năm 2015 theo đăng ký nhập khẩu đã được Bộ Công Thương xác nhận. Đồng thời, Đoàn kiểm tra cơ sở hạ tầng, diện tích kho bãi, quy mô công suất, sản phẩm đầu ra, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 17/11/2015 và Đoàn kiểm tra tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép hợp kim gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép trong nước. (Ảnh: Internet)
Trước đó, ngày 13/10/2015, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) là ông Hồ Nghĩa Dũng đã ký Văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phản ánh về tình trạng doanh nghiệp cán thép trong nước nhập khẩu ồ ạt phôi thép hợp kim từ Trung Quốc.
VSA chỉ rõ, một số doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép Trung Quốc cố ý khai là phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố Crom trong khi tỷ lệ Crom rất nhỏ, chỉ tương đương với 0,3% để được hưởng mức thuế ưu đãi 0%, trong khi với việc nhập khẩu phôi thép để sản xuất thép xây dựng đáng lẽ ra phải chịu mức thuế 9%. Điều này đã khiến Ngân sách Nhà nước thất thu 1,89 triệu USD, tương đương khoảng 42 tỷ đồng.
Nguy hiểm hơn, sản phẩm phôi thép hợp kim khi nhập vào Việt Nam sau khi được hưởng thuế suất ưu đãi, được Trung Quốc hoàn thuế nên có giá bán thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép trong nước. Trong khi đó, công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất được khoảng 60% công suất./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN