Việc 2 doanh nghiệp trong nước khởi kiện chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu đã gặp phản ứng kịch liệt của hàng loạt doanh nghiệp khác đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất.
|
Ngày 3.6, hai công ty Posco VST (100% vốn Hàn Quốc) và Inox Hòa Bình nộp đơn kiện chống bán phá giá (CBPG) mặt hàng thép không gỉ (TKG) cán nguội của Trung Quốc và Indonesia nhập khẩu vào VN. Ngày 2.7, Bộ Công thương quyết định mở cuộc điều tra theo đơn kiện. Đến ngày 30.9, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo gia hạn thời hạn quyết định sơ bộ chậm nhất tới ngày 2.12.2013.
Tuy nhiên, vào ngày 29.10, 18 doanh nghiệp (DN) lớn sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... sử dụng nguyên liệu TKG đã đồng loạt ký kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh nêu ra “nhiều điểm bất thường” của vụ kiện nói trên, đồng thời đề nghị dừng điều tra, tránh áp thuế CBPG đối với TKG nhập khẩu.
Lợi ích cục bộ ?
Các DN trong đơn kiến nghị cáo buộc Posco VST và công ty liên quan của họ là Công ty Posco VHPC đã nộp đơn kiện CBPG nguyên liệu TKG nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia trong khi chính họ đang nhập khẩu TKG với số lượng lớn từ các công ty thuộc Tập đoàn Posco (Posco Asia, Deawoo International Corporation và Posco - Thainox) tại Hàn Quốc và Thái Lan, ước tính từ năm 2012 đến nay khoảng 39.000 tấn, đặc biệt trong giai đoạn 8 tháng đầu năm 2013 (thời gian nộp đơn kiện). Inox Hòa Bình và công ty con là Công ty thương mại Huy Hoàng cũng đã nhập TKG từ các nước bị điều tra trong cùng giai đoạn đó.
“Chính mình đang nhập khẩu mặt hàng mà mình cáo buộc bán phá giá, kể cả sau khi đã nộp đơn khởi kiện, và có quan hệ liên kết với các nhà nhập khẩu/xuất khẩu mặt hàng này, Posco VST và Hòa Bình Inox không đáp ứng điều kiện để nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo quy định của WTO và pháp luật VN về CBPG”, đơn kiến nghị của 18 DN nêu. Theo các DN này, việc kiện CBPG có khả năng là lợi ích cục bộ của Posco VST, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công ty liên quan tại Thái Lan - Posco Thainox mở rộng thị trường tại VN.
|
Cần cân nhắc kỹ
Trong đơn khởi kiện của mình, Posco VST và Inox Hòa Bình cho biết họ đang chiếm 81,1% thị phần TKG tại VN. Như vậy, nếu thuế CBPG được thông qua, các DN sử dụng TKG sẽ phải phụ thuộc vào hai công ty này. Do đó, khả năng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là rất lớn.
Khả năng cung ứng và chất lượng sản phẩm của bên khởi kiện cũng là vấn đề được nêu ra trong đơn kiến nghị, bởi Posco VST chỉ cung cấp một số lượng nhất định TKG, nhưng lại đòi áp thuế bán phá giá 20 - 40% tất cả các loại TKG.
Ông Đàm Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Sơn Hà - một trong các DN ký đơn kiến nghị, cho biết 18 DN đứng đơn có hơn 10.000 lao động; nguyên vật liệu TKG chiếm 80% giá thành sản phẩm. “Hiện nay, nguyên liệu TKG nhập khẩu chịu thuế 10%. Nếu áp thuế CBPG từ 20 - 40% thì giá bán các sản phẩm hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... làm từ TKG sẽ tăng tương ứng 15 - 30%. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc tăng giá tới mức cao như thế sẽ khó được người tiêu dùng chấp nhận và sản phẩm khó bán được, khiến DN đình trệ sản xuất, công nhân mất việc làm”, ông Hùng phân tích.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, khẳng định các DN VN chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình là động thái tích cực và cần khuyến khích. Tuy nhiên, trong vụ kiện TKG đã xảy ra xung đột giữa bên đứng đơn kiện và các DN sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu thì Bộ Công thương cần phải cân nhắc. “Nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thành phẩm tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu đang rất phổ biến ở nước ta. Trong tương lai, xung đột lợi ích giữa nhà sản xuất nguyên phụ liệu ở trong nước và các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất sẽ còn tiếp diễn. Đó là lý do Bộ Công thương phải cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình xử lý vụ việc, nếu không sẽ ảnh hưởng dài lâu đến lợi ích giữa hai bên”, luật sư Huỳnh phân tích.
Cùng quan điểm, TS luật Phạm Văn Chắt, trọng tài kinh tế quốc tế, cho rằng theo nguyên lý thị trường DN sẽ chọn mua nguyên liệu nào có lợi cho việc sản xuất và người tiêu dùng. “Chắc chắn, DN sẽ không ủng hộ nguyên phụ liệu trong nước có giá cao hơn nước ngoài, trong khi chất lượng lại tương đương, thậm chí kém hơn”, ông Chắt phát biểu.
Còn chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, để giải quyết xung đột này, trước mắt Hiệp hội Thép VN nên tổ chức gặp mặt cho hai bên: bên đi kiện và bên phản đối kiện, để tìm tiếng nói chung. “Vấn đề phải giải quyết trên cơ sở pháp lý quốc tế, tinh thần, lợi ích của quốc gia và DN. Đáng lẽ ra, khi khởi xướng vụ kiện, hiệp hội phải thông qua mọi thành viên để thỏa thuận, đồng lòng đi kiện. Đằng này, phía nước ngoài chưa phản đối thì trong nước chúng ta đã phản đối, nếu thua sẽ tạo tiền lệ xấu. Trong nhà đáng ra phải đóng cửa nói trước với nhau”, ông Phong bình luận.
Bóp chết sản xuất Chúng tôi vào VN đầu tư cũng như Posco VST, đều gia công với nguồn nguyên liệu inox nhập khẩu toàn bộ, do inox chưa thực sự được sản xuất ở trong nước. Vậy thì tại sao lại kiện chống bán phá giá để bảo hộ cho công đoạn gia công - tẩy gỉ mà bóp chết các công đoạn khác như sản xuất? Nếu Posco VST sản xuất được nguyên liệu inox tại VN (tức nấu chảy, tinh luyện ra phôi và cuộn cán nóng) mà chúng tôi vẫn nhập khẩu, không ủng hộ hàng trong nước thì đó mới là vấn đề. Ở đây, Posco VST cũng gia công cho công ty mẹ từ cán nóng sang cán nguội, nhưng giá cả lại cao hơn so với nhập khẩu. Ông Lưu Quốc Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Ever Force (100% vốn nước ngoài) |
Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết liên quan đến vụ việc xử lý chống bán phá giá với TKG, Cục này sẽ chính thức công bố kết luận vào đầu tháng 12.2013, trong đó sẽ có các vấn đề sai phạm đến đâu. Về việc 18 doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu TKG gửi đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh kiến nghị về vụ này thì ông Nam cho hay: “Có nghe dư luận phản ánh, nhưng Cục chưa nhận được đơn. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều bên, sẽ làm theo quy trình của pháp luật, công khai minh bạch”. Mai Hà |
Nguồn: Thanhniên