Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tám năm thực hiện hiệp định chống bán phá giá của WTO, Việt Nam đã đối mặt với 100 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 50 vụ kiện chống bán phá giá.
Tuy nhiên, chỉ có một vụ do Việt Nam khởi kiện và thắng kiện. Đó là vụ điều tra bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Đài Loan.
Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo “Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên Việt Nam, kết quả và bài học kinh nghiệm” do Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức ngày 18-9.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp (DN) trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Nguyên nhân của sự việc trên là do trong giai đoạn đầu, cơ quan quản lý cạnh tranh còn mới, nhân lực ít nên chưa sẵn sàng cho các cuộc khởi kiện. Thêm vào đó nhận thức của các DN về bán phá giá chưa nhiều.
“Trong năm năm gần đây, Bộ đã tuyên truyền nhiều và DN đã có nhận thức về vấn đề này. Trên thực tế, Bộ Công Thương cũng đã tiếp nhận hai vụ, đó là mặt hàng kính nổi năm 2008 và dầu ăn năm 2012. Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ thì có những vụ việc không đủ căn cứ để nói đó là hành vi bán phá giá và chưa xác định được thiệt hại. Riêng vụ thép không gỉ đã tập hợp đầy đủ các yếu tố để tiến hành một vụ điều tra khởi kiện” - bà Giang nói.
Riêng về trường hợp sau vụ kiện thép không gỉ, bà Giang cho biết Bộ Tài chính đã ra quyết định quy định thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng như thuế nhập khẩu. Cụ thể là khi DN nhập khẩu hàng hóa thép không gỉ dùng để gia công, chế xuất hàng hóa đi nước ngoài sẽ được miễn thuế chống bán phá giá hoặc hoàn lại nếu đã nộp. Như vậy biện pháp này sẽ không làm ảnh hưởng đến các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu này để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Đối với DN nhập khẩu để sản xuất trong nước thì có thể lựa chọn những mặt hàng từ nước khác sao cho phù hợp chứ không nhất thiết chỉ nhập khẩu các mặt hàng từ các nước bị áp thuế chống phá giá.
“Việc áp thuế chống bán phá giá không phải để bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước mà là lập lại, khôi phục lại sự cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam” – bà Giang nhấn mạnh.
Nguồn tin: Pháp luật