Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiện chống bán phá giá: Phòng vệ lỏng lẻo

Ngày 4-7 Bộ Công Thương đã ra thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước tiến hành kiện doanh nghiệp xuất khẩu vào Việt Nam bán phá giá.

Chịu trận và bị động

Gần 10 năm kể từ ngày Việt Nam ban hành pháp lệnh chống bán phá giá mới có một vụ được khởi kiện. Điều này cho thấy, để công cụ này được phát huy, bảo vệ sản xuất trong nước cần sự nỗ lực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Theo ước tính, đến nay doanh nghiệp trong nước hứng chịu khoảng 70 vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp từ các nước nhưng chỉ sử dụng 3 lần công cụ phòng vệ thương mại, trong đó có 2 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá (vụ kiện thép không gỉ).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù được đánh giá là công cụ hữu hiệu bảo vệ hàng sản xuất trong nước, nhưng doanh nghiệp và các hiệp hội dường như chưa nắm bắt được, gây thiệt hại sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Tại sao các công cụ phòng vệ thương mại phù hợp thông lệ quốc tế như kiện chống bán phá giá lại chưa được sử dụng? Lý giải điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại, thừa nhận đây là vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc nhiều chiều và giữa các bên.

Ngoài ra, còn do nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý có những hạn chế nhất định. Hệ quả là 10 năm nay phần lớn doanh nghiệp trong nước phải chịu trận, kháng kiện chứ chưa kiện lại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Vùng trắng số liệu,cứ lieu

 

 
Doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị hàng hóa nước ngoài bán phá giá. Cụ thể doanh nghiệp gặp khó khăn, sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu giảm; nhập khẩu của hàng hóa cùng loại tăng nhanh; giá hàng hóa nhập khẩu giảm trong thời gian dài dẫn đến sức khỏe của doanh nghiệp riêng lẻ và của toàn ngành suy yếu. Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn công cụ bảo vệ phù hợp như kiến nghị về thuế nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại…
 

Ông Lê Sỹ Giảng, 
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương

 

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại, các công cụ phòng vệ thương mại đang được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới và các nước đang phát triển sử dụng các công cụ này ngày càng nhuần nhuyễn hơn. Điều đáng quan tâm là nhiều loại hàng hóa nằm trong top 5 (kim loại cơ bản, hóa chất, nhựa và cao su, máy móc và thiết bị, dệt may) từ các nước láng giềng đang là đối tượng của nhiều vụ kiện ở các thị trường khác trên thế giới, trong đó Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất với 916 vụ, gấp 3 lần nước đứng thứ 2 là Hàn Quốc.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ hiện trạng kinh tế nội địa ngày càng khó khăn, khủng hoảng nên việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại càng phổ biến; có thể hàng hóa từ một số nước thực sự đang bán phá giá, được trợ cấp hoặc xuất ồ ạt vì nhiều mục đích như: giải quyết tồn kho trong nước, cạnh tranh không lành mạnh để chiếm lĩnh thị trường...

Ở Việt Nam có 10 mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh và cũng chính là các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất như: thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu, nhiên liệu; sắt, thép; nhựa và sản phẩm nhựa; hàng may mặc và phụ kiện; vải dệt kim; hoa quả, trái cây; phương tiện vận tải; bông.

“Với việc nhiều nước nằm trong top 10 đang là nguồn nhập khẩu lớn vào bậc nhất của Việt Nam và nhiều nước lại là láng giềng của Việt Nam nên không có gì đảm bảo những nước đó không bán hàng phá giá/cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam” - bà Loan nhận định.

Tuy nhiên, việc khởi kiện mang lại kết quả tốt lại không dễ do việc tiếp cận thông tin, thu thập hồ sơ. Thực tế hiện nay, dù Việt Nam có các cơ quan quản lý, thống kê như: Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan nhưng khi cần số liệu “chẳng cái nào khớp cái nào”.

Điều này chỉ khổ cho doanh nghiệp mỗi lần bị kiện phải đi tìm số liệu. Cũng vì vậy, có những lần doanh nghiệp Việt Nam bị kiện nhưng lại phải lấy số liệu của chính bên khởi kiện. Do vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các số liệu thống kê cung cấp cho doanh nghiệp, hiệp hội cần được cải thiện, chi tiết và thuyết phục.

Nguồn tin: Đaututaichinh

ĐỌC THÊM