Với những bất cập của hệ thống điều kiện kinh doanh đang làm giảm sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ kiến nghị bãi bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh.
Xén điều kiện kinh doanh
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra hôm qua (22/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ kiến nghị bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh, sau khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần trong 302 điều kiện về tài chính; toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm; bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất; toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch…
Nghị định 109/2011/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn gạo, nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ…
Nghị định 109/2011/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn gạo, nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ…
Tổng cộng, các yêu cầu, điều kiện đề nghị bãi bỏ lên tới con số hơn 2.000 và có thể chưa phải là số chốt. Lý do là, đợt rà soát này chưa tính tới các quy chuẩn, tiêu chuẩn có nội dung điều kiện kinh doanh và chưa tính đến nội dung của điều kiện kinh doanh liên quan đến các bộ, ngành không quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng như chưa nhắc tới các nội dung không phù hợp khác chưa được điểm danh.
“Đây là thời điểm phải làm và không thể chậm trễ hơn và phải có cách làm khác. Việc đề xuất cắt xén điều kiện kinh doanh theo các nội dung như trên là phương cách hữu hiệu nhất thời điểm này”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đơn vị trực tiếp thực hiện rà soát - phân tích.
Lý do cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhất là khi những yếu kém, khiếm khuyết của quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đó là tạo ra rủi ro, hạn chế và làm méo mó cạnh tranh, gia tăng chi phí sản xuất, hạn chế sáng tạo, kìm hãm hình thành chuỗi kinh doanh, tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu không thay đổi cách làm, sẽ rất khó thay đổi chất lượng của hệ thống điều kiện kinh doanh”, ông Cung làm rõ.
Bỏ tư duy quy mô là hiệu quả
Đây không phải lần đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo Thủ tướng về việc chưa có sự thay đổi về tư duy và nhận thức về vai trò và ý nghĩa của điều kiện kinh doanh. Trong đợt rà soát hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh được cho là lớn nhất từ trước tới nay vào năm 2016, để thực hiện Luật Đầu tư, vấn đề này được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến các khiếm khuyết của quy định về điều kiện kinh doanh chưa được xử lý.
Tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là 4.284 yêu cầu, điều kiện.
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ luật (66),
pháp lệnh (3), nghị định (162) và hiệp định (6).
Theo quy định của Luật Đầu tư, có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, theo các quy định khác, có 19 hàng hóa cấm kinh doanh, 5 dịch vụ cấm kinh doanh, 7 hàng hóa hạn chế kinh doanh và 1 dịch vụ hạn chế kinh doanh; có 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước.
Nhưng lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình một hiện trạng thực sự đáng quan ngại. Các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay về cơ bản cũng giống như các điều kiện kinh doanh đã được ban hành cách đây nhiều năm. Cơ quan tham mưu, soạn thảo chưa mạnh dạn tìm tòi sáng kiến và chuyển sang áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, khoa học - công nghệ để thay thế các quy định “truyền thống” về điều kiện kinh doanh.
Thậm chí, cho dù Luật Đầu tư đã thiết lập cơ chế kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bao gồm 5 giải pháp, nhưng mới chỉ có một giải pháp được thực hiện đầy đủ, đó là hạn chế các bộ, ngành, UBND tự ban hành điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, giải pháp công khai được thực hiện, nhưng chưa đầy đủ. Kể từ ngày đầu tiên được đăng tải và công khai hóa trên cổng thông tin điện tử, các bộ, ngành không cập nhật thay đổi, bổ sung cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời cập nhật các danh mục này.
Còn lại, 3 giải pháp chưa được thực hiện, gồm: xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh và gửi lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; định kỳ rà soát, đánh giá quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và việc đánh giá sự cần thiết, hợp lý của quy định về điều kiện kinh doanh chưa nhận thức thống nhất, đúng và chưa được áp dụng nghiêm túc.
Hệ quả là, các yêu cầu theo kiểu phải có đạo đức tốt, phải thuận tiện, có đủ điều kiện thích hợp… hay phải sở hữu một số lượng tối thiểu máy móc, phương tiện hay phải kinh doanh theo một phương thức nhất định vẫn rất phổ biến trong các quy định về điều kiện kinh doanh.
“Tôi muốn nhắc đến kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017, với 44% doanh nghiệp cho biết từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, tỷ lệ lỡ cơ hội vì lý do này là 47%; trong lĩnh vực nông nghiệp là 46%. Năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế đang bị kìm hãm ở chính điểm này”, ông Cung nhấn mạnh.
Nguồn tin: Đầu tư