Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị ngăn dự án thép gây ô nhiễm

 Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây đã kiến nghị không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước.

VSA đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn...
Dư cung

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, đề xuất trên áp dụng trong ngắn hạn đối với một số sản phẩm được cho là chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, các sản phẩm được điểm danh là thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.

Để có cơ sở đưa ra đề xuất trên, VSA đã công bố hiện trạng năng lực sản xuất các sản phẩm thép tính tới tháng 12/2018 của nhiều mặt hàng (xem bảng). Theo đó, chỉ có nhóm hàng thép thô với các sản phẩm phôi vuông, phôi dẹt, bloom có tỷ lệ huy động công suất thiết kế cao nhất với 93%. Các mặt hàng thép còn lại có tỷ lệ huy động sản xuất từ 44% đến 88% công suất thiết kế.

Đáng nói là, cách đây đúng 1 năm, trên cơ sở phân tích số liệu, căn cứ tình hình thực tế, VSA cũng đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ông thép hàn, thép tôn mạ… Đồng thời, không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Các mặt hàng được kiến nghị tiếp tục khuyến khích đầu tư mà VSA đề xuất là các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô…, mà trong nước chưa sản xuất được.

Ở thời điểm tháng 6/2018, thống kê của VSA cho thấy, các sản phẩm thép của Việt Nam huy động công suất trung bình chỉ đạt 63%, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới, tính đến tháng 4/2018 (khoảng 76,9%, theo thống kê của Hiệp hội Thép thế giới). Trong đó, thép không gỉ của Việt Nam mới huy động khoảng 30% công suất.

Chặn sản phẩm kém, công nghệ ô nhiễm

Theo thống kê của VSA, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép có tăng trưởng lần lượt là 9,2% và 11,1% trong 5 tháng đầu năm 2019, trong đó, xuất khẩu thép tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, xuất khẩu thép của Việt Nam sang các thị trường Mỹ và EU trong 4 tháng đầu năm 2019 đã giảm lần lượt là 35,04% và 18,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước thực tế thép giá rẻ đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, hay chuyện Trung Quốc đang thực hiện tái cấu trúc ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài, mà điểm đến được ưa thích chính là khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, câu chuyện tạo khuôn khổ để thị trường cạnh tranh lành mạnh cũng được các doanh nghiệp thép đề ra.

Ông Nghiêm Xuân Đa cho hay, các cơ quan nhà nước nên ban hành và có các biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, như các lò điện cảm ứng sản xuất thép.

Trong nỗ lực ngăn chặn những sản phẩm đầu ra của dây chuyền tiêu hao nhiều năng lượng, hay sản xuất có gây ô nhiễm cho môi trường và có chất lượng kém, VSA mới đây đã có văn bản gửi Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đề nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho thép hình cán nóng để loại trừ những sản phẩm kém chất lượng, nhằm đảm bảo chất lượng cho công trình, sự an toàn của người sử dụng, cũng như các nhà máy sản xuất thép trong nước. Hiện ngành thép Việt Nam mới có QCVN cho sản phẩm thép xây dựng và sắp tới là thép không gỉ (inox).

Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị cơ quan tiêu chuẩn chất lượng chủ trì xây dựng QCVN các sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu mang tính chất pháp lệnh, bắt buộc mọi doanh nghiệp nước ngoài muốn bán hàng vào Việt Nam phải tuân thủ, tương tự quy chuẩn SNI của Indonesia hay SIRIM của Malaysia đang áp dụng với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng vào các nước này.

Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh từ tôn giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài, mà không ít sản phẩm đang được sản xuất dưới mức tiêu chuẩn thông thường.

Thống kê và theo dõi của VSA cho thấy, nhiều sản phẩm tôn mạ nhập khẩu hiện không đủ độ dày thép nền do có dung sai âm vượt quá mức cho phép, nên tôn có độ dày danh nghĩa là 0,4 mm, nhưng trên thực tế đo được chỉ có 0,33 mm; không đủ độ dày lớp mạ khi có lớp mạ danh nghĩa là AZ50, nhưng thực tế đo được chỉ có AZ30; không đủ độ dày lớp sơn khi danh nghĩa là 15 um/5 um, nhưng thực tế đo được chỉ có 10 um/3 um.

Nguồn tin:Baodautu

ĐỌC THÊM