Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án thép, đặc biệt là các dự án lớn, có vốn đầu tư nước ngoài triển khai chậm trễ vì thiếu năng lực tài chính, nếu không có lý do chính đáng thì có thể phải rút giấy phép đầu tư để tránh lãng phí.
Trong văn bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ tuần qua, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho rằng vì diện tích chiếm đất của các dự án thép đầu tư lớn là rất nhiều, việc triển khai dự án chậm trễ, kéo dài có thể cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác muốn đầu tư vào các sản phẩm này.
Ông Cường cho rằng năng lực sản xuất các sản phẩm thép hiện nay đã vượt quá xa với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép đầu tư dự án thép ở các địa phương hiện vẫn còn tiếp tục.
"Năng lực sản xuất thép vượt quá nhu cầu nhưng các địa phương vẫn tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án sản xuất thép lớn", Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường |
“Điều đó chắc chắn dẫn đến cạnh tranh khốc liệt và các nhà máy sẽ phải vận hành thấp so với công suất thiết kế, gây lãng phí và hiệu quả kinh tế thấp. Ngay đối với sản phẩm thép xây dựng thông thường, không có gì mới trong công nghệ và thiết bị vẫn cấp giấy phép cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài là không hợp lý”, ông Cường phân tích.
Thực tế, Quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 có tính đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4-9-2007 sau 2 năm thực hiện đã có biểu hiện không tuân thủ nghiêm túc. Đến tháng 8-2009, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gởi các địa phương quy định cụ thể việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thép, nhằm lập lại trật tự trong đầu tư ngành thép.
“Tuy nhiên cho tới nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện”, ông Cường khẳng định trong văn bản kiến nghị vừa gởi Thủ tướng Chính phủ.
Để khắc phục tình trạng dư thừa công suất đã được dự báo trước, ông Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ trong việc cấp giấy phép đầu tư cho ngành thép.
Theo ông Cường, trong thời gian tới, chỉ cấp phép đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép mà Việt Nam chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và các nguyên liệu cho ngành thép.
Theo thống kê của VSA, tính tới tháng 3-2010, năng lực sản xuất của các nhà máy luyện gang của Việt Nam đã đạt công suất 1,8 triệu tấn/năm, phôi thép 5,3 triệu tấn/năm, thép xây dựng các loại 7,8 triệu tấn/năm, ống thép hàn 1,3 triệu tấn/năm, thép lá mạ kim loại 1,2 triệu tấn/năm và thép cuộn cán nguội là 2,5 triệu tấn/năm. |
TBKTSG Online