Trừ loại phôi cán nóng phải nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất các loại thép cán thành phẩm - Ảnh:TL |
Trong văn bản ngày 20-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đưa ra ba quan điểm cụ thể về vấn đề này. Trong đó, Bộ Công Thương nhận định năm 2009, ngành thép trong nước đủ năng lực để sản xuất 5,5 đến 6 triệu tấn phôi, cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Riêng loại phôi cán nóng vẫn phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được. Về thép cán xây dựng thông thường, tổng công suất đã đầu tư trong nước vượt xa nhu cầu, do đó chỉ cần có thị trường là các doanh nghiệp đủ khả năng cung cấp.
Hơn nữa, giá phôi thép quốc tế hiện nay đang ở mức thấp (350-360 đô la Mỹ/tấn - CFR (giao hàng với điều kiện bao gồm cước phí và phí xếp dỡ) và vẫn trong xu thế có thể hạ giá đến mức dự báo là 270 đô la Mỹ/tấn - FOB (giao hàng tại cảng, không bao gồm cước phí) hoặc 300 đô la Mỹ /tấn - CFR.
Bộ Công Thương cho rằng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều nước cần giải phóng hàng tồn kho, duy trì sản xuất nên có biểu hiện bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Tình hình này đòi hỏi Chính phủ phải có đối sách linh hoạt để giúp doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế suất nhập khẩu vào thời điểm này là cần thiết để giúp doanh nghiệp nội tiếp tục các biện pháp hạ giá thành, đảm bảo đủ thép cho nội địa.
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam và Tổng công ty thép Việt Nam đã gửi kiến nghị Chính phủ nâng mức thuế suất thuế nhập khẩu phôi từ 5% lên 15%, nâng thuế suất thuế nhập khẩu thép cuộn đường kính 6-10mm và thép thanh xây dựng từ 12% lên 22%. Đối với thép cuộn cán nguội thì đề nghị nâng thuế nhập từ 7% lên 8%, các sản phẩm tráng kim loại và sơn phủ màu cũng tăng thêm 1% tương ứng. Các mức thuế này đều nằm trong khuôn khổ cho phép của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).