Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép xây dựng: Có lợi cho ai?

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa có kiến nghị Tổng cục Hải quan tăng mức thuế suất NK đối với thép hợp kim khác mã HS 7227.90.00 từ 0% lên 20%. Tuy nhiên, theo đại diện Cục thuế XNK (Tổng cục Hải quan),  yêu cầu này là vô căn cứ.

Sản xuất thép tại Công ty CP Thép Bắc Việt. Ảnh: TRẦN VIỆT

Cạnh tranh với NK

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng-Chủ tịch VSA: Hiện tượng một số DN NK thép hợp kim dưới mác thép xây dựng đã xảy ra vài năm gần đây. Trong năm 2013, VSA đã nhận được thông tin từ một số thành viên về việc một lượng lớn thép cuộn xây dựng NK từ Trung Quốc vào Việt Nam được chủ hàng khai báo là “thép hợp kim có chứa nguyên tố Boron từ 0.0008% trở lên”, được hưởng thuế suất thuế NK 0%. Do đó, loại thép này được DN bán ra thị trường với mức giá rẻ hơn khoảng 30% so với thép xây dựng trong nước. Ông Dũng cho rằng, mục đích sử dụng của thép chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng.

 

 
    Việc nhanh chóng xác định chính xác hàm lượng hợp kim chứa trong thép để phân loại dạng thép NK là thép xây dựng thông thường hay thép hợp kim cũng khá phức tạp. Bởi, lượng hợp kim đưa vào trong thép thường rất thấp, vi lượng nên sản phẩm thép hợp kim có tính chất cơ lý tính gần giống thép xây dựng thông thường, gây khó cho cơ quan chức năng. Để xác định chính xác, đòi hỏi sự kiểm tra cẩn thận, phân tích rõ các thành phần hóa học, cơ lý tính và cả mục đích sử dụng trong thực tế.
 

Ông Hồ Nghĩa Dũng, 
Chủ tịch VSA

Trong bối cảnh thép xây dựng trong nước đang ế ẩm, dư thừa tới 50% thì tình trạng này khiến cho DN sản xuất thép trong nước bị cạnh tranh gay gắt, đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Chính vì vậy mới đây, VSA đã có công văn kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan về việc nộp thuế NK trước đối với thép hợp kim khác mã HS 7227.90.00. Theo đó, VSA đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các DN khi NK “Thép hợp kim khác dạng cuộn” mã HS 7227.90.00 phải kê khai thuế suất thuế NK bằng mức thuế suất thuế NK thép cuộn xây dựng thông thường (tức là 20%).

Sau khi thông quan, các DN phải đem đi kiểm định, thử thành phần hóa học và đặc điểm cơ lý tính tại cơ quan kiểm định có thẩm quyền để chứng minh lô hàng “thép hợp kim” đã NK không phải là thép cuộn xây dựng thông thường. Nếu chứng minh được là thép hợp kim sau khi kiểm định, các DN sẽ được hoàn thuế NK 20% đã nộp trước đây. VSA cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra việc NK “thép hợp kim khác”.

Mặc dù đưa ra vấn đề như trên, nhưng khi phóng viên Báo Hải quan trao đổi và muốn VSA cung cấp số liệu chuẩn xác, cụ thể về các DN sản xuất thép xây dựng trong nước có kiến nghị cũng như thông tin về một số DN “lách” luật để trục lợi thì ông Hồ Nghĩa Dũng lại trả lời “hoàn toàn không nắm rõ”. Ông Dũng chỉ ước chừng, khoảng 20-30 DN thép trong nước, bằng nhiều kênh khác nhau như gọi điện thoại, trao đổi trong cuộc họp, thông tin tới VSA, chứ không có bất kỳ DN nào chính thức gửi văn bản kiến nghị.

Thậm chí, ngay cả những thông tin liên quan tới lượng thép hợp kim NK dưới mác thép xây dựng thông thường, giá cả chênh lệnh khi bán thép tại thị trường trong nước, thực tế thiệt hại của DN trong nước như thế nào, Hiệp hội cũng không hề biết. Dễ nhận thấy, kiến nghị của VSA chưa đưa ra được những căn cứ xác đáng, thuyết phục cơ quan chức năng. Phải chăng, VSA chỉ đang cố tình muốn bảo hộ, bênh vực cho quyền lợi của một bộ phận DN thép trong nước mà chưa nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề.

Kiến nghị chưa chuẩn xác

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng-Phó Cục trưởng Cục thuế XNK (Tổng cục Hải quan) phụ trách mảng phân loại hàng hóa- cho biết: Thực tế hiện nay, 100% mặt hàng thép NK đều phải thông qua khâu giám định, phân tích phân loại. Từ kết quả phân tích phân loại, cơ quan Hải quan mới xác định mã số HS mặt hàng đó. Vì vậy, rất khó có thể xảy ra tình trạng gian lận trong khai báo mã số HS đối với mặt hàng thép hợp kim khác như VSA đã phản ánh.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hải Trang - Phó Cục trưởng Cục thuế XNK cho rằng, trong khâu NK mặt hàng thép các loại, các DN NK phải kê khai và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình theo những mức thuế suất do Biểu thuế XNK quy định. Các mức thuế này không phải do Tổng cục Hải quan quy định mà căn cứ vào các khung thuế suất và các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì vậy, phản ánh của VSA là chưa chuẩn xác, bởi tại Biểu thuế XNK năm 2013 thì thép hợp kim chứa nguyên tố Boron mã 98110000 có thuế suất 10% chứ không phải 20% như Hiệp hội đã đưa ra. Bên cạnh đó, trong nhóm HS 7227 không chỉ có thép chứa Boron mà còn bao gồm nhiều loại thép hợp kim dùng trong ngành công nghiệp khác nhau. Vì vậy, nếu thực hiện theo kiến nghị của VSA sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều ngành công nghiệp trong nước. 

Theo ông Nguyễn Hải Trang, bản chất của thép hợp kim NK không phải là đối tượng cạnh tranh trực tiếp đến quyền lợi của các DN trong VSA. Bởi hiện nay, DN chỉ sản xuất các loại thép không hợp kim, mà thép không hợp kim trong xây dựng chỉ đáp ứng một số loại công trình không cần chất lượng cao. Hơn thế nữa, những căn cứ mà VSA không có số liệu chứng minh cụ thể, các dẫn chứng lập luận chỉ chung chung, chưa thuyết phục được các cơ quan chức năng.

“Gia nhập WTO, Việt Nam không thể thực hiện chế độ bảo hộ mậu dịch. Vì vậy, muốn  cạnh tranh và phát triển không có cách nào khác là các DN thép Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình cũng như có giá thành hợp lý”, ông Nguyễn Hải Trang nói.

Nguồn tin: Haiquan

ĐỌC THÊM