Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị tịch thu lô phế liệu "bẩn"

Đoàn công tác liên ngành Bộ TN-MT chủ trì kiểm tra việc phân loại, tiêu hủy lô hàng phế liệu "bẩn" (Ảnh: Văn Long).
Ngày 18/9, Đoàn công tác do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) chủ trì, phối hợp với thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường và Tổng cục Hải quan đã đưa ra một số kết luận về cách xử lý vụ việc Công ty Thép Thành Lợi nhập khẩu trên 1.108 tấn sắt thép phế liệu có chứa chất thải nguy hại, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Sau khi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Hải quan TP Đà Nẵng và tổ chức kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Thép Thành Lợi, Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng - Ý và Công ty Môi trường Đô thị TP Đà Nẵng, Đoàn công tác đã kết luận UBND TP Đà Nẵng đã "chỉ đạo xử lý vụ việc chưa phù hợp với pháp luật hiện hành".

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì Cục Hải quan TP Đà Nẵng - nơi đầu tiên thụ lý vụ việc sẽ là đơn vị ra quyết định xử phạt. Như vậy, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả) sẽ do Cục trưởng Cục Hải quan toàn quyền quyết định chứ UBND tỉnh không thể chỉ đạo Cục Hải quan TP chỉ "xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền theo qui định của pháp luật".

Thêm vào đó, đến nay UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định thành lập Hội đồng giám sát và phương án tiêu hủy, nhưng việc tiêu hủy đã được thực hiện. Mặc dù trước đó, UBND TP đã có công văn "giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Hải quan và các cơ quan tiến hành dự thảo quyết định thành lập Hội đồng giám sát tiêu hủy và phương án tiêu hủy lô hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần Thép Thành Lợi, báo cáo UBND TP phê duyệt".

Các thành viên giám sát việc tiêu hủy cũng không đúng với thành phần Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tại Công văn số 392/BC-STNMT ngày 26/8/2008.

Có thể nói, ngay từ ban đầu, việc xử lý của UBND TP Đà Nẵng với vụ việc đã rất "khó hiểu". Với 18 container sắt thép phế liệu chứa "rác bẩn" nhập khẩu đợt 1, ngày 27/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có Công văn 5170 yêu cầu Công ty Thành Lợi chuyển toàn bộ lô hàng đến Công ty Thép Đà Nẵng - Ý để phân loại tạp chất (bao gồm cả những tạp chất nguy hại như giẻ lau dính dầu mỡ và một số kim loại nặng bị rời ra từ phế liệu nhập khẩu) và giao Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện việc tiêu hủy.

Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan sẽ giám sát việc phân loại, tiêu hủy lô hàng này.

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của công ty này vốn là cơ sở số 4 của Công ty Thép Thành Lợi tách ra; ông Huỳnh Văn Tân là thành viên sáng lập, cổ đông lớn nhất của 2 công ty này (ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Đà Nẵng - Ý và Tổng Giám đốc Công ty Thành Lợi). Công ty MTĐT Đà Nẵng cũng không đủ thẩm quyền để vận chuyển và xử lý.

Mặt khác, ngày 21/8, Sở TN&MT đã có công văn đề nghị UBND TP chỉ đạo Cục Hải quan lập thủ tục tịch thu lô hàng theo quy định tại Điều 171 và Điều 252 Bộ luật Dân sự và xin ý kiến chỉ đạo về sản phẩm sau khi tiêu hủy (là thép có giá trị sử dụng), tịch thu sung công quĩ hay cho phép Công ty Thép Thành Lợi tái sử dụng. Nhưng tại Công văn 5170, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lại không hề đề cập đến cả 2 đề nghị của Sở TN&MT.

Tại Công văn 2709 (ngày 27/8), ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên UBND TP Đà Nẵng cho rằng: "Việc tiêu hủy đối với lô hàng thực chất là việc loại bỏ các thành phần nguy hại cho môi trường có trong lô hàng. Theo Điều 171 của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu của tài sản bị chấm dứt khi tài sản đó bị tiêu hủy. Trong trường hợp này phần bị tiêu hủy chính là các tạp chất và chất nguy hại đã bị loại bỏ" - tức là UBND TP Đà Nẵng xác định chỉ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của Công ty Thành Lợi đối với số "rác bẩn" (chiếm hơn 5% trong 434 tấn), còn lại trên 410 tấn sắt thép vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp?

Về điều này, báo cáo kết luận của Đoàn công tác đã chỉ rõ, căn cứ theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi ngày 2/4/2008, Tổng cục Môi trường kiến nghị "xử phạt hành chính (phạt tiền và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ) đối với lô hàng 200 tấn sắt, thép phế liệu còn lại, nếu nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết. Đối với lô hàng đã bị tiêu hủy, đề nghị tịch thu theo quy định của pháp luật hiện hành".

Về việc UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Buộc Công ty Thép Thành Lợi tái xuất các lô hàng sắt thép phế liệu có lẫn tạp chất rất khó khăn và phức tạp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN-MT sẵn sàng có ý kiến với Đại sứ quán Italia, cần thiết yêu cầu Bộ Công an có ý kiến với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Intepol) để can thiệp.

Đoàn công tác cũng đã kết luận cả 3 công ty (Công ty Thép Thành Lợi, Công ty Thép Đà Nẵng - Ý và Công ty MTĐT Đà Nẵng) đều có vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường như: quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng qui định; vi phạm cam kết bảo vệ môi trường (không thực hiện giám sát môi trường định kỳ, không xử lý nước thải hoặc xả nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa lập hồ sơ đăng ký phát sinh chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường)

CAND

ĐỌC THÊM